Theo các chuyên gia, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Nếu tận dụng tốt các cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức, Việt Nam có thể đạt được những bước tiến lớn trong hợp tác thương mại với Hoa Kỳ. |
Cụ thể, ngành dệt may được kỳ vọng đạt 25 tỷ USD, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế tại Hoa Kỳ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy ngành này.
Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ cao như linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông cũng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, với giá trị dự kiến tăng từ 15 - 18% nhờ sự mở rộng sản xuất từ các tập đoàn như Samsung, Intel, và LG.
Ngành nông sản và thủy sản, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, và hạt điều, được dự báo đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD. Sự ổn định trong chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của Hoa Kỳ là yếu tố then chốt giúp ngành này tiếp tục tăng trưởng.
Các mặt hàng như cao su và sắt thép cũng được dự đoán sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ.
Các phân tích chỉ ra rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, được xem là điểm đến hấp dẫn nhờ vào chi phí lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư thuận lợi và năng lực sản xuất ngày càng nâng cao. Người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm bền vững, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sản xuất và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt và vượt qua một số thách thức lớn.
Bà Virginia Foote, thành viên Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Hanoi), CEO Bay Global Strategies LLC nhận định tại một toạ đàm mới đây của Bộ Công Thương cho biết, thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia tạo ra áp lực lên quan hệ thương mại. Bên cạnh đó, vấn đề tái xuất hàng hóa qua Việt Nam để tránh thuế quan của Hoa Kỳ cũng là vấn đề lớn, khiến Hoa Kỳ lo ngại và Việt Nam kiểm soát tình trạng này.
Các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may và sắt thép, có thể làm gia tăng áp lực lên các nhà xuất khẩu. Ngoài ra, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn ESG và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ và đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Dẫu vậy, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn rất lớn. "Mặc dù chính sách thuế quan của Hoa Kỳ tiềm ẩn rủi ro đối với các ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam như dệt may và điện tử, Việt Nam có thể giảm thiểu những rủi ro này bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu sang các khu vực khác như EU, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN", bà Virginia Foote nhận định.
Các chuyên gia khuyến nghị, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, lao động và chất lượng sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín và gia tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Đầu tư vào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cũng là một chiến lược quan trọng giúp Việt Nam không chỉ duy trì mà còn thúc đẩy mối quan hệ thương mại bền vững với Hoa Kỳ trong tương lai.
Đỗ Kiều