Nói về triển vọng ngành điện trong năm 2025 sắp đến, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán TPS cho rằng nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số, tăng 10,5% đến 13% so với năm 2024.
Cung có đủ cầu?
Theo đó, các nhà điều hành đã đưa ra 3 kịch bản tiêu thụ điện cho năm 2025. Thứ nhất, với kịch bản cơ sở mức tiêu thụ điện năm 2025 dự ước khoảng 342,3 tỷ kWh, sẽ tăng 10,5% so với năm 2024. Thứ hai, kịch bản tăng trưởng vừa mức tiêu thụ điện năm 2025 khoảng 351 tỷ kWh, sẽ tăng 13,3%. Thứ ba, kịch bản tăng trưởng cao mức tiêu thụ điện năm 2025 khoảng 354 tỷ kWh, tăng 14,3%.
Nhu cầu tiêu thụ điện năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số, từ 10,5% đến 13% so với năm 2024. |
Như nhận định của TPS, xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh hơn sau khi tân tổng thống Hoa Kỳ tiếp nhận nhiệm kỳ mới, cùng với hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh kéo theo mức tiêu thụ điện năng năm 2025 được dự báo khá cao do FDI tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực chế biến chế tạo.
Và theo tính toán, kinh tế tăng trưởng 1% thì mức tiêu thụ điện tăng tương ứng 1,5%. Do đó, với mức tăng trưởng theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì tiêu thụ điện năm 2025 được dự báo tăng trưởng trong khoảng 10,5% - 11,25%, tương ứng với nguồn cung cần bổ sung thêm 2.200 – 2.500 MW công suất. Trong trường hợp tăng trưởng kinh tế cao hơn mức 7% - 7,5%, tiêu thụ điện có thể tăng tới 12% - 13%.
Với triển vọng tăng tiêu thụ điện năng như dự báo nêu trên, vấn đề đặt ra là liệu ngành điện trong nước có khả năng đáp ứng đủ hay không? Đó là chưa kể nhu cầu của các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư FDI với nguồn năng lượng sạch trước yêu cầu “chuyển đổi xanh” đang tăng lên.
Như trong báo cáo cập nhật ngành điện vào tháng 12/2024 của TPS, cơ cấu thành phần huy động nguồn điện của Việt Nam gần như không thay đổi nhiều kể từ năm 2021. Vì vậy, rất khó để nguồn cung điện tăng mạnh.
Cụ thể, mức độ đóng góp của nguồn điện than vào tổng nguồn điện của Việt Nam có xu hướng chậm lại kể từ 2021 đến nay, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn điện của Việt Nam, chiếm khoảng 48,6% tổng nguồn điện huy động của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024. Theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến nhiệt điện than sẽ được huy động ở mức cao trong mọi kịch bản tăng trưởng phụ tải trong năm 2025, đặc biệt là các nhà máy khu vực phía Bắc. Hầu hết các nhà máy sẽ đều được huy động vận hành từ 6.400 – 6.500 giờ trong năm 2025.
Với thủy điện đã giảm dần kể từ 2013 đến nay do dung lượng không còn nhiều để phát triển và chịu tác động bởi điều kiện thời tiết. Thủy điện đóng góp khoảng 29,4% trong tổng nguồn điện huy động của Việt Nam (dữ liệu trong 10 tháng 2024).
Còn tỷ trọng đóng góp nguồn điện từ Tuabin khí giảm từ 32,8% vào năm 2023 xuống 7,2% trong 10 tháng 2024. Đáng lưu ý, lượng khí cung cấp khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đang giảm dần. Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW công suất nhiệt điện khí, chiếm khoảng 15,6% tổng công suất các nguồn điện.
Riêng nguồn năng lượng tái tạo vốn chiếm tỷ trọng khá thấp trong giai đoạn 2013 – 2020, nhưng từ năm 2021 đến nay tỷ trọng đóng góp đã tăng đột biến và duy trì ổn định trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp. Theo dự báo, tiêu thụ điện tái tạo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025 trong bối cảnh nguồn cung điện khác vẫn còn bị hạn chế, do đó, những khó khăn, điểm nghẽn của năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ, đóng góp nhiều hơn vào tổng công suất nguồn điện.
Sắp xếp lại nguồn cung để giảm thiểu rủi ro
Theo Ts. Đào Lê Trang Anh, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguồn cung ứng năng lượng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức thì các DN sản xuất tại Việt Nam cần xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững.
Ts. Trang Anh cho rằng một trong những giải pháp chính để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống là đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió, vì vậy các DN sản xuất có thể xem xét việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng gió.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến là rất quan trọng để nâng cao hiệu suất năng lượng. “Các DN sản xuất nên cân nhắc áp dụng các hệ thống tự động hóa, máy móc tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất xanh để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí vận hành. Chuyển đổi số và công nghệ như IoT (internet vạn vật) có thể giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, từ đó giúp DN giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sản xuất”, Ts. Đào Lê Trang Anh chia sẻ.
Và để giảm thiểu rủi ro từ biến động về giá và nguồn cung năng lượng, vị chuyên gia này có lời khuyên cho các DN là nên xây dựng các phương án dự phòng và đa dạng hóa nguồn cung cấp. Điều này bao gồm việc hợp tác với nhiều nhà cung cấp năng lượng khác nhau và đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng.
Ngoài ra, cũng theo Ts. Trang Anh, từ góc độ của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ DN là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực của bất ổn năng lượng.
Để đảm bảo nguồn cung ứng điện trong giai đoạn tới, giới chuyên gia đề xuất cần điều chỉnh quy hoạch điện VIII (được ban hành ngày 15/5/2023). Bởi lẽ, sau 19 tháng có hiệu lực, quy hoạch điện VIII cho thấy nhiều mục tiêu đề ra khó đạt được nên cần được điều chỉnh, sắp xếp lại nguồn cung để giảm thiểu nguy cơ mất an ninh cung ứng điện giai đoạn 2026 – 2030.
Chẳng hạn như nguồn điện khí, trong quy hoạch điện VIII phê duyệt 23 dự án điện khí với công suất 30.424 MW đến 2030. Tuy nhiên, mới có 1 nhà máy vào vận hành là nhiệt điện Ô Môn 1. Các dự án khác đang xây dựng gồm nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 đạt tiến độ 92%, dự kiến vận hành vào tháng 5/2025. Các nhà máy điện khí khác thuộc chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh, Hiệp Phước 1, Cà Ná, Nghi Sơn…vẫn chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, ngoại trừ dự án Nhơn Trạch 3 và 4, các dự án còn lại khó hoàn thành trước 2030.
Hay như nguồn năng lượng tái tạo, rất khó để đạt được quy mô công suất theo quy hoạch đề ra, bao gồm cả điện gió trên bờ và gần bờ là 21.880 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW. Trong khi đó, các nguồn điện mặt trời cũng đang được rà soát, tổng hợp, đánh giá cho phù hợp thực tiễn.
Thế Vinh