Thông tin về sản lượng điện sản xuất trên toàn hệ thống vào tháng 2 vừa qua, EVN cho biết đã đạt 18,6 tỷ kWh, tăng 14,9% so với thời điểm đầu năm ngoái. Tổng cộng, trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất đạt 39,59 tỷ kWh, tăng 6,1%. Trong số này, tỷ lệ huy động một số nguồn chính như thủy điện đạt 10,85 tỷ kWh, chiếm 27,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Nhiệt điện than đạt 17,27 tỷ kWh, chiếm đến 43,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; điện sản xuất từ tua bin khí cũng đạt 4,38 tỷ kWh, chiếm 11,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Vẫn phụ thuộc vào điện than?
Những con số trên cho thấy, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào điện than, cho dù những hệ lụy mà nó gây ra thì đã quá rõ.
Vẫn chưa thể loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than vì chưa thể bù đắp sản lượng điện từ các loại hình năng lượng điện khác. |
Đơn cử, ngay trong quý I vừa qua, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ hơn 76,7%. Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3 vừa qua, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Các NMNĐ như Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện chỉ đủ than để vận hành 1 tổ máy ở mức 60 - 70% công suất, riêng NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.
Theo tính toán, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện, nhiều tổ máy tại các nhà máy nhiệt điện phải dừng, giảm phát do thiếu than. "Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu" - EVN đánh giá.
Theo kế hoạch, sản lượng than mà TKV cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2022 là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu. 3 tháng đầu năm, TKV mới nhập được 325.000 tấn, nên sản lượng cấp được trong quý 1-2022 chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.
TKV cho rằng, có thể nhập khẩu không đạt kế hoạch năm 2022 nên đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác tối đa có thể, khoảng 4,1 triệu tấn. Gắn với tăng chế biến than, pha trộn đảm bảo cung cấp tối đa cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch, không để thiếu than.
Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu. Trong khi đó, EVN cho rằng, thời gian tới, nhất là vào thời điểm nắng nóng của mùa khô năm nay, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
Giảm nhà máy nhiệt điện than sẽ là một vấn đề hóc búa
Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII) đề xuất 40 GW điện than vào năm 2030, giảm gần 50% so với 75 GW được đề xuất trong Quy hoạch điện VII, được công bố năm 2011 và giảm 31% so với kế hoạch 55 GW trong Quy hoạch điện VII sửa đổi, được công bố vào năm 2016. Chính quyền các địa phương đã yêu cầu hủy bỏ 11,6 GW điện than hoặc chuyển sang các nguồn nhiên liệu khác. Các nhà máy điện than mới cũng sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn hiệu quả nghiêm ngặt hơn.
Quy hoạch điện VIII cũng cho biết, đến năm 2045, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ lệ từ 15,4-19,4%. Riêng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện sẽ chiếm 40,1-41,7%.
Tại COP26 năm ngoái, hơn 40 quốc gia, trong đó có các nước sử dụng nhiệt điện than nhiều như Canada, Ba Lan, Ukraine và Việt Nam, đã cùng cam kết bỏ dần than và ngừng xây thêm các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng việc loại ngay điện than không phải là điều dễ dàng gì. Ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản cũng đang xây thêm 7 nhà máy nhiệt điện để bù đắp năng lượng thiếu hụt sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima, trong khi Úc mới đây cũng khẳng định sẽ không từ bỏ than.
Để đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện than, tuần trước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với Đại sứ Úc tại Việt Nam và đề nghị đại sứ hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Úc để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Nhiệt điện than là “xương sống” của ngành điện ở Việt Nam, do đó, phải giữ được mức độ ổn định, và chúng ta không thể bỏ được". Ông Ngãi dẫn chứng, thế giới vẫn duy trì điện than như riêng Trung Quốc hiện có trên 700.000 MW, trong khi Việt Nam dự kiến chỉ có 40,7 GW thì điều đó không đáng lo ngại.
Đại diện của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng đánh giá: "Nhu cầu điện năng của nước ta đang rất cao, trong khi sắp tới năng lượng sạch, NLTT vẫn chưa thể đáp ứng được. Do đó, việc bỏ điện than phải có lộ trình, không thể bỏ ngay được vì sẽ gây ra thiếu điện. Phát triển năng lượng sạch cũng phải có lộ trình cho phù hợp, không thể đưa vào ồ ạt. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh theo xu hướng giảm dần điện than và lấy NLTT thay thế".
Thực tế, đã có nhiều ý kiến đề xuất giảm thiểu điện than, thậm chí còn đề xuất Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có chủ trương dừng các dự án nhiệt điện than để bảo vệ môi trường. Ví dụ như Hàn Quốc, tới năm 2025 quốc gia này sẽ đóng cửa 10 nhà máy nhiệt điện than vì lý do môi trường.
Tuy nhiên nếu dừng các dự án nhiệt điện than, thì nguồn cung điện thiếu hụt sẽ được bù đắp ra sao? Thực tế thì ngay vào thời điểm hiện tại, như đã nói ở trên do thiếu than mà các nhà máy nhiệt điện than đang không đảm bảo sản xuất, và nguy cơ thiếu điện trong những tháng tới vẫn hiện hữu. Vì vậy, việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than sẽ là một vấn đề hóc búa chưa thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều.
Trà My