Căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.
Kho than nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1. |
Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.
Cụ thể: các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.
Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Mặc dù các đơn vị cung cấp than (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc) đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.
Trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.
Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký với các nhà máy nhiệt điện than.
Tuy nhiên, khi báo cáo lên Bộ Công Thương để phản hồi về vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện trong năm nay, TKV lý giải trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao. Thực tế này dẫn tới tình trạng khan hiếm than dù sản lượng sản xuất không giảm.
Đồng thời, việc không nhập khẩu được than theo đúng tiến độ, TKV cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới còn do đến ngày 2/3, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật Giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.
Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn. Trong khi đó, giá than thế giới tăng đột biến. TKV đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II năm nay. Tuy nhiên, do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ukraine làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu.
Trước khó khăn trên, TKV đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán trong nước để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Thy Lê