Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 21/2, ông Michael R. DiGregorio, Trưởng Nhóm Công tác Môi trường của VBF bày tỏ hoan nghênh cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Hội nghị cấp cao COP 26, theo đó Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bộ Công Thương khẳng định quan điểm Quy hoạch điện VIII sẽ kiên quyết dừng phát triển thêm dự án điện than. |
Nhóm công tác cũng hoan nghênh sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc khởi động chương trình năng lượng tái tạo với cơ chế biểu giá FIT ưu đãi và Hợp đồng mua bán điện (PPA) do doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo lãnh để đảm bảo khả năng vay vốn với xếp hạng Moody's.
Thông qua các chính sách này, Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư và nhà sản xuất năng lượng tái tạo, qua đó trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lực năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Michael R. DiGregorio cũng đánh giá EVN không thể tiếp tục bù giá với số lượng lớn và chịu lỗ trong quá trình bán điện. Điều kiện tiên quyết cho phát triển điện bền vững là EVN phải có đủ tiềm lực tài chính. Mức giá quốc tế không bao gồm hỗ trợ đối với điện từ năng lượng tái tạo, LNG và các nguồn khác phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá điện của Việt Nam và giúp tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về khí hậu.
Ngoài ra, năng lực tài chính của EVN và các PPA có khả năng huy động vốn sẽ giúp các nhà đầu tư tư nhân có thể tiếp cận nguồn tài chính xanh với chi phí thấp hơn và giảm lượng phát thải CO2.
Đáng chú ý, dự thảo Quy hoạch điện VIII tháng 11/2021 ước tính chi phí đầu tư là 131,79 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, phần lớn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chính sách đưa ra để đạt được các mục tiêu năng lượng bền vững của Việt Nam phải phục vụ lợi ích lâu dài của đất nước và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khu vực tư nhân.
Hội nghị COP26 cho thấy thế giới đã cam kết bắt đầu giảm phát triển nhiệt điện than. Chính phủ các nước, các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân, ngân hàng, tất cả các tổ chức lớn tham gia lĩnh vực năng lượng đều đồng ý rằng các tác động tiêu cực đến môi trường lớn hơn rất nhiều so với các lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Để thu hút nguồn vốn cần thiết để giảm, tiến tới dừng phát triển nhiệt điện than, Trưởng Nhóm Công tác Môi trường của VBF cho rằng Việt Nam sẽ cần thực hiện các dự án năng lượng khả thi, có tiềm năng huy động vốn và lượng phát thải thấp hơn. Tuy nhiên, để duy trì ổn định và phát triển lưới điện, Việt Nam cũng phải đảm bảo nguồn điện phụ tải đủ để thay thế nhiệt điện than.
Điều này có nghĩa là quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện gió và điện mặt trời, sẽ đòi hỏi lộ trình bao gồm lưu trữ năng lượng và khí hoặc năng lượng LNG linh hoạt.
Theo ông Michael R. DiGregorio, các dự án này có thể được thiết kế ngay bây giờ để đưa hydro vào làm nguồn nhiên liệu sạch, tái tạo để đảm bảo nguồn điện phụ tải trong tương lai gần.
"Các doanh nghiệp cũng đang mong chờ kết quả thảo luận với các cơ quan chức năng Việt Nam trong quá trình nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các dự án năng lượng chất lượng cao để tiếp cận nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế", ông Michael R. DiGregorio cho biết.
Trước sự quan tâm của nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết Bộ Công Thương đang rà soát Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ đó xây dựng Quy hoạch điện VIII trên tinh thần chuyển sang năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển dự án điện mặt trời, gió, khuyến khích điện giói ngoài khơi. Đồng thời, quy hoạch kiên quyết dừng dự án nhiệt điện than, dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đồng thời, Quy hoạch sẽ tính tới vị trí, tính vùng miền, đảm bảo phụ tải, tính khả thi của các dự án. Ông Tân cho rằng xây dựng đường truyền tải, phụ tải sẽ được cân đối kỹ lưỡng, đáp ứng cân đối các vùng miền trên toàn quốc. Mục tiêu đặt ra là giảm phát thải như cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26, kêu gọi đầu tư vào năng lượng sạch.
Thy Lê