Vụ vải thiều năm 2022 sắp bước vào thời điểm thu hoạch. Năm nay, dự báo vải thiều xuất khẩu tiếp tục được giá, theo đó giá thu mua tại vườn cao hơn từ 10-20% so với năm trước.
Vải thiều xuất khẩu được giá
Dù mấy ngày tới mới bước vào vụ thu hoạch, song ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (Bắc Giang) đang khá bận rộn để hoàn tất việc chuẩn bị, đàm phán hợp đồng tiêu thụ vải thiều.
Vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao. |
Chia sẻ với VnBusiness, ông Thiết cho hay năm nay dự kiến sản lượng vải thiều của HTX cao hơn nhiều so với năm trước. Đặc biệt, HTX đã ký được các đơn hàng xuất khẩu đi Pháp, Hàn Quốc và một số nước châu Âu với giá 35.000 đồng/kg (tăng khoảng 17% về giá so với năm 2021).
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, ông Thiết kỳ vọng tiêu thụ vải thiều sẽ thuận lợi ở thị trường Trung Quốc và trong nước để bảo đảm giá cả ổn định, thành viên HTX có một vụ mùa bội thu.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, vụ vải 2022 toàn tỉnh có 28.300ha vải thiều, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, tiêu chuẩn GlobalGAP là 102ha.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Nếu tình hình dịch như hiện nay sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu). Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "zero COVID" sẽ xuất khẩu 30% còn lại tiêu thụ nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, kênh thương mại điện tử và sấy khô.
Trong khi đó, báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho hay, năm nay sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt hơn 60.000 tấn, tăng khoảng 5.000 tấn so với năm 2021. Sản lượng vải tăng do nông dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm bón, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Điều kiện thời tiết thuận lợi cho phân hóa mầm hoa giúp tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả. Dự kiến, đây là năm được mùa vải và mẫu mã, chất lượng cao hơn những năm trước.
Dự kiến, trà vải sớm của tỉnh Hải Dương bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 15/5, thu hoạch rộ từ ngày 25/5 - 5/6 với sản lượng ước đạt hơn 35.000 tấn. Trà vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 10/6, thu hoạch rộ từ ngày 15-25/6 với sản lượng hơn 25.000 tấn.
Thận trọng kiểm soát chất lượng
Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội), chia sẻ năm nay vải chín muộn do ảnh hưởng của không khí lạnh ở miền Bắc. Vì vậy, doanh nghiệp dự kiến mùa vải thiều bắt đầu từ 25/5 trở ra với số lượng ban đầu chỉ vài tấn, đến ngày 28/5 mới chính thức bước vào thời điểm thu hoạch.
Bà Hồng chia sẻ với VnBusiness rằng, Ameii dự kiến tăng trưởng xuất khẩu quả vải thiều sang các thị trường nước ngoài khoảng 30%. Hiện tại, doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ các đối tác, trong đó có đối tác đã làm ăn lâu năm và mới.
"Hiện tại, chúng tôi đang ký kết, đàm phán hợp đồng với khoảng trên 20 đối tác từ Nhật Bản, 10 đối tác từ châu Âu... Năm nay, ngoài xuất khẩu quả vải tươi, doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ sấy lạnh để bảo quản quả vải lâu hơn", bà Hồng chia sẻ.
Về giá, đại diện Ameei cho hay, sẽ thu mua vải xuất khẩu cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 10-20%, đảm bảo lợi nhuận tốt nhất cho người nông dân.
Tuy thị trường năm nay được đánh giá là khá thuận lợi, song bà Ngô Thị Thu Hồng cho hay mối lo lớn nhất của doanh nghiệp là chi phí lưu kho, logistics. Đơn cử, ở thị trường Nhật Bản, nếu những năm trước chỉ kiểm tra xác suất một số lô hàng, năm nay họ thông báo sẽ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở 100% lô hàng. Điều này dẫn tới thời gian hàng hóa phải lưu kho chờ kết quả kiểm dịch tại sân bay hay cảng biển bên phía Nhật Bản dài hơn, đội thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, trái vải thiều Việt Nam được đánh giá là sản phẩm mới ở thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, vải thiều Việt được người Nhật khá ưa chuộng, kỳ vọng sẽ xuất khẩu đạt khoảng 350 tấn mỗi năm.
Tuy vậy, để phát triển bền vững, trái vải thiều Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng. Làm sao để khi nhắc tới trái vải thiều, người Nhật Bản phải nhớ đến Việt Nam.
Theo đó, ông Minh lưu ý, trái vải thiều cần phải duy trì đảm bảo chất lượng ở tất cả các lô hàng. Năm nay, cơ quan chức năng phía Nhật cho biết sẽ tăng cường kiểm soát vải thiều nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt lưu ý, tránh tình trạng lô hàng không đạt yêu cầu bị trả về, ảnh hưởng tới cả ngành, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính, trái vải thiều cũng cần tìm đường để sang thị trường Trung Quốc, bởi đây là yếu tố quyết định đến giá vải thiều năm nay. Theo đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa đồng ý cho 103 thương nhân quốc tịch Trung Quốc được cấp thị thực, nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị để thu mua vải thiều tại Bắc Giang.
Ngoài số thương nhân này, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, hiện còn gần 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký vào Việt Nam để thu mua vải thiều tại Lục Ngạn. Cơ quan chức năng đang hướng dẫn số thương lái này làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.
Lê Thúy