Theo dự kiến, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Lễ xuất hành vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản tại huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn vào ngày 18/5/2022 tới.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến thời điểm này có gần 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang để thu mua vải thiều năm 2022. Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh đang tham mưu, hướng dẫn những thương nhân này thực hiện thủ tục nhập cảnh theo trình tự quy định của pháp luật.
HTX nỗ lực tìm đầu ra cho quả vải
HTX sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền sản xuất vải thiều, nhãn theo đúng quy trình sạch nên năm nào vườn của 15 thành viên HTX cũng trúng mùa. Sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu với giá cả ổn định.
Quả vài thiều Bắc Giang đang xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. |
Hiện HTX có hơn 30 ha vải thiều, sản lượng năm nay ước đạt hơn 300 tấn. HTX cũng liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương) duy trì đưa sản phẩm vải tươi sang thị trường Trung Đông, Nhật Bản và xuất vải thiều khô sang Đài Loan.
Ông Phan Văn Nết, Giám đốc HTX cho biết, để ổn định đầu ra cho quả vải, bên cạnh các thị trường nước ngoài, ngay từ cuối tháng 2 vừa qua, HTX đã tổ chức xúc tiến thương mại, vào TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam để tìm đối tác trong nước. Vụ vải năm 2022, HTX thu mua, tiêu thụ khoảng 500 tấn vải tươi thông qua hệ thống siêu thị: Winmart, LotteVina, T-Mart và sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn.
“Vụ vải năm nay, ngoài bán vải tươi, chúng tôi còn hợp đồng với Công ty TNHH Tiến Dung (Đồng Nai) cung ứng vải khô vào các tỉnh phía Nam với sản lượng khoảng 100 tấn. Để hút khách hàng, HTX sẽ thiết kế lại tem, nhãn bao bì sản phẩm. 100% vải khô của HTX được sấy bằng điện nên chất lượng luôn bảo đảm, thơm ngon”, ông Nếp nói.
Bên cạnh việc sẵn sàng tìm đầu ra cho quả vải, nhiều HTX ở Bắc Giang cũng gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, nhất là năm nay do phân bón đội chi phí nên giá thành sản xuất tăng cao hơn mọi năm cũng khiến cho các HTX gặp không ít khó khăn, trung bình 1ha đội lên từ 5 đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên, với quyết tâm đảm bảo sản lượng và chất lượng quả vải nên các HTX trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua.
Ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HTX nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay hợp tác xã có 7 hộ gia đình tham gia sản xuất diện tích 10ha vải xuất khẩu đi Nhật. Ngoài nỗi lo về tăng giá phân bón đội chi phí còn nỗi lo về thời tiết, dù đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy trình kỹ thuật, nhưng nếu nắng nhiều vải sẽ chín ép không đảm bảo đủ thời gian cách ly sau phun thuốc bảo vệ thực vật.
"Nếu không xuất được sang Nhật Bản thì công sức bỏ ra nhiều mà thu chẳng được bao nhiêu. Vì quả vải chăm sóc theo quy trình này mẫu mã không đẹp nên giá thành sẽ thấp hơn bình thường," ông Liên chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, để giảm chi phí sản xuất nhiều HTX, hộ gia đình trồng vải ở Lục Ngạn đã canh tác cây vải thiều theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân vi sinh, các loại phân bón hữu cơ để dần thay thế cho các loại phân bón hóa học.
Tìm đầu ra cho 160 ngàn tấn vải thiều
Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã được thị trường Nhật Bản cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều. Năm 2022, Bắc Giang mong muốn sản lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ tăng.
Đánh giá cao chất lượng vải thiều Bắc Giang khi xuất khẩu sang Nhật bản, đại diện Tập đoàn Ribeto Nhật Bản cho rằng cần tăng số lượng xuất khẩu vải, vì nhu cầu sử dụng quả vải thiều tươi người dân nước Nhật rất lớn. Đồng thời mong muốn tỉnh Bắc Giang quan tâm đến hoạt động thông quan để các lô xuất khẩu được thuận lợi và Tập đoàn Ribeto cam kết sẽ làm hết sức để đưa trái vải sang Nhật thành công.
Được biết, cùng với việc tổ chức Lễ xuất hành Vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản tại huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn vào ngày 18/5/2022; tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tổ chức chuỗi Sự kiện và Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Trong đó có Lễ cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ và xuất khẩu tại thị trường trong và ngoài nước dự kiến ngày 25/5/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang.
Trong tháng 5, tháng 6/2022, Bắc Giang còn dự kiến tổ chức chuỗi các Sự kiện Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam…
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang tăng diện tích trồng vải thiều lên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 160.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, GlobalGAP là 82 ha.
Để đảm bảo đầu ra cho quả vải năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, kênh phân phối, tiêu thụ theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thường xuyên quan tâm ứng dụng công nghệ 4.0 để đổi mới phương pháp đóng gói theo quy chuẩn, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc phù hợp với từng thị trường; ứng dụng công nghệ bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Mục tiêu của Bắc Giang trong năm này là sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều sang thị trường nước ngoài. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang sớm kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu thụ vải trong nước và trên nền tảng số, đẩy mạnh xuất sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, mở rộng tiêu thụ ở khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng trên thế giới.
Trà My