Mới đây, Lê Viết Hưng - nguyên Giám đốc Sở TN&MT, và 5 cán bộ khác ở tỉnh Đồng Nai bị bắt để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, được cho là có liên quan những vi phạm về việc xác định các nguồn gốc đất theo thẩm quyền, trong đó có một số dự án liên quan đến đất công không qua đấu giá khiến Nhà nước bị thất thoát tài sản.
Nỗi lo trục lợi và nhiễu loạn thị trường
Cần nhắc lại, cuối năm vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã xác định công tác quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng ở Đồng Nai đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót với số tiền sai phạm xác định được trên 335 tỷ đồng.
Cần ngăn ngừa việc lợi dụng đấu giá để "thổi giá", tạo mặt bằng giá đất “ảo” nhằm đầu cơ đất đai làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi bất chính. |
Trong đó có một số sai phạm đáng chú ý như: giao đất với thời hạn sử dụng lâu dài tại một số dự án không đúng quy định; giao đất công cộng có mục đích kinh doanh; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác; phê duyệt giá đất sai các quy định của pháp luật…
Không chỉ ở Đồng Nai, những sai phạm về đất đai ở các địa phương luôn là vấn đề nhức nhối, trong đó có những vụ việc liên quan đến việc đấu giá đất công.
Chính vì vậy, mới đây, Bộ TN&MT đã có công văn yêu cầu các địa phương cần ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật.
Đặc biệt là cần phát hiện các tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vừa qua, xung quanh chuyện đấu giá đất cao bất thường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.HCM), Bộ Xây dựng có cho biết đã làm việc với Bộ TN&MT, đồng thời có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh đánh giá cụ thể về tác động của đấu giá đất cao bất thường đối với thị trường bất động sản. Và, hiện đã có 20 địa phương gửi báo cáo về Bộ Xây dựng.
Nhân vụ lùm xùm đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong diễn biến mới nhất, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã chính thức có văn bản gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm kiến nghị sớm sửa đổi bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo đó, cần xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực.
Bất cập từ Luật Đấu giá tài sản
Hơn thế nữa, Nhà nước cần phải kiểm soát, quản lý 3 vấn đề quan trọng. Thứ nhất là đánh giá chất lượng dự án đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư, mà hiện nay, Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định này.
Thứ hai là đánh giá năng lực của nhà đầu tư, trước hết là “có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư” (quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013) mà hiện nay Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng chưa có quy định này.
Thứ ba là ngăn ngừa việc lợi dụng đấu giá để "thổi giá", tạo mặt bằng giá đất “ảo” nhằm đầu cơ đất đai làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi bất chính.
HoREA lưu ý, Luật Đấu giá tài sản 2016 đã không giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện “về điều kiện khi tham gia đấu giá”, nhất là điều kiện nhà đầu tư “có năng lực tài chính” và “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai”, nên nội dung này chưa được quy định trong các văn bản dưới Luật Đấu giá tài sản 2016.
Điều này dẫn đến công tác thực thi pháp luật về đấu giá chưa thật chặt chẽ, chưa đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, nhất là đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.
Chỉ ra một trong những bất cập, HoREA cho rằng quy định nộp “tiền đặt trước” có giá trị thấp hơn rất nhiều so với “giá trúng đấu giá”, nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã “xù” không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất “tiền đặt trước”, hoặc có trường hợp nhà đầu tư “dây dưa” kéo dài việc thanh toán.
Ví dụ cụ thể như trường hợp đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1 (Tp.HCM) vào năm 2014 của CTCP Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mãi đến năm 2017 mới chấp nhận thanh toán tiền trúng đấu giá và nộp phạt do chậm thanh toán.
Và gần đây nhất là cuộc đấu giá lô đất 3.12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá khởi điểm chỉ là 2.942 tỷ đồng, “tiền đặt trước” là 588,4 tỷ đồng, nhưng “giá trúng đấu giá” lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần “giá khởi điểm” và gấp 41 lần “tiền đặt trước”. Nhà đầu tư trúng đấu giá là Công ty Ngôi Sao Việt thuộc CTCP Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3.12 và chấp nhận bị mất số tiền cọc 588,4 tỷ đồng, để lại các hệ lụy tiêu cực…
Thế Vinh