Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty SGI Capital, nhận định trong năm 2022 này đối với kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng thì các doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguy cơ “phá nát” thị trường
Theo ông Phúc, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2021 vừa qua đã đi lên với động lực rất lớn từ sự tăng trưởng nội tại về lợi nhuận của các DN. Và năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì điều này. Trong khá nhiều báo cáo phân tích khác nhau thì con số chung về tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế của 1 cổ phiếu) trong năm nay có thể là vào khoảng 20 - 25%.
Cần tránh các kẽ hở không để một số chủ DN “đùa giỡn” với pháp luật như “bán chui” cổ phiếu hay “bỏ cọc” đấu giá đất. |
Tuy vậy, vị tổng giám đốc này có lưu ý mọi kênh tài sản trên thị trường có liên thông rất chặt chẽ và đặc biệt là công nghệ làm cho việc liên thông càng trở nên dễ dàng giữa các loại tài sản và các thị trường.
“Cho nên, sự chọn lọc và cạnh tranh giữa các kênh tài sản với nhau để thu hút được dòng tiền đầu tư sẽ quay trở lại thành yếu tố rất quan trọng. Đồng tiền sẽ không dễ dãi như trước nữa. Và sự chọn lựa lúc đó sẽ đòi hỏi sự khắt khe trong việc chọn lựa, thời điểm, loại hình, cũng như chất lượng tài sản để xuống tiền đầu tư ”, ông Phúc nói.
Nêu ra những đánh giá nêu trên để thấy sự kỳ vọng về sức tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Việt trong năm 2022 là như thế nào, và đi kèm theo đó cũng là những thách thức không kém cho các DN.
Từ đó để thấy xì-căng-đan mới đây về vụ “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch CTCP tập đoàn FLC là cực kỳ nghiêm trọng với hệ luỵ xấu là có thể “phá nát” thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đang được xem xét để nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Bởi lẽ, điều này đã ảnh hưởng đến tính minh bạch của DN nói riêng và của thị trường chứng khoán nói chung. Không những vậy, điều đó còn khiến cho không ít nhà đầu tư trên sàn chứng khoán gặp rủi ro “tán gia bại sản” với chiêu thức “bán chui” như trên.
Để tránh những kẽ hở dẫn đến chuyện chủ DN “bán chui” cổ phiếu, giới chuyên gia than phiền chế tài xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán vẫn còn khá nhẹ, không khác gì “nước đổ đầu vịt”, dễ làm méo mó thị trường.
Ngay như trong vụ Trịnh Văn Quyết tái phạm chuyện “bán chui” cổ phiếu như lần này, không yên tâm với mức xử phạt hành chính như từ trước đến giờ, nhiều ý kiến bày tỏ cần phải xử lý mạnh tay, tịch thu toàn bộ số tiền cổ phiếu “bán chui" để lành mạnh hóa thị trường.
Nhất là với số lượng cổ phiếu cực lớn được “bán chui” như vậy thì nên có sự vào cuộc của cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự nhằm bảo vệ thị trường chứng khoán Việt và các nhà đầu tư.
Bài học “bỏ cọc” đấu giá đất
Như chia sẻ của giới luật sư, việc “bán chui cổ phiếu bất thường với số lượng lớn như trên cần xem xét có hay không khả năng vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự, liên quan đến các Điều 209 về “Tội che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, Điều 210 về “Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" và không loại trừ vi phạm quy định tại Điều 211 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán”.
Không chỉ với vụ việc của ông Quyết, dư luận cũng đang tranh cãi trước vụ ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc CTCP tập đoàn Tân Hoàng Minh, mới đây đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.HCM).
Rõ ràng đây là vụ việc đáng tiếc. Bởi theo đánh giá của Ts.Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam), việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua là đúng quy trình và quy định của pháp luật hiện hành. Phiên đấu giá được tổ chức công khai, minh bạch, tất cả những người có khả năng và muốn tham gia đều có thể tham gia.
Xét về rủi ro người thắng bỏ cuộc thì Nhà nước không mất gì cả. Hiện tại, số tiền ký quỹ rất lớn đã nộp vào Kho bạc. Số tiền này lớn hơn chi phí bỏ ra cho việc tổ chức đấu giá rất nhiều.
Do vậy, giả sử kịch bản (không có thực) những người tham gia đấu giá thắng bỏ cuộc liên tục thì Nhà nước nên liên tục tổ chức đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ai muốn ném tiền qua cửa sổ là lựa chọn cá nhân.
Như quan điểm của ông Du, xét về mặt chính sách, nhà nước không cần có những can thiệp hay điều chỉnh đối với sự bốc đồng như vậy. Bởi lẽ, sự bốc đồng (nếu có) trong trường hợp này phải trả bằng cái giá hàng trăm tỷ đồng. Về nguyên tắc, người bốc đồng bị thiệt hại và xã hội được lợi vì có được khoản tiền từ trên trời rơi xuống.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng qua vụ “bỏ cọc” đấu giá đất này thì các cấp có thẩm quyền, liên quan cũng cần rút ra bài học để ràng buộc trách nhiệm, giám sát chặt chẽ hơn để chủ DN không “đùa giỡn” với pháp luật.
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), vẫn đang có một số “bất cập”, hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Để tránh những kẽ hở đòi hỏi cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2016 để kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá tài sản.
Nhất là không để xảy ra tình trạng đấu giá “cuội, quân xanh - quân đỏ”, hoặc ngăn ngừa hành vi “thông đồng” giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá, hoặc “thông đồng” giữa các nhà đầu tư với người của cơ quan tổ chức đấu giá.
Không những vậy, việc “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư vẫn còn tính hình thức và lỏng lẻo.
Vì vậy, nên có quy định chặt chẽ điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá phải có năng lực tài chính và không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, không để xảy ra tình trạng bất hợp lý đối với nhà đầu tư chỉ nộp “tiền đặt trước” với giá trị thấp, nhưng trả giá trúng đấu giá với giá trị cao hơn rất nhiều lần.
Bất cập thấy rõ nằm ở quy định về việc nhà đầu tư “phải nộp tiền đặt trước tối thiểu bằng 5% và tối đa bằng 20% giá khởi điểm đấu giá”.
Chính vì vậy, trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đã nộp “tiền đặt trước” có giá trị thấp, nhưng sau cuộc đấu giá đã “xù” không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất “tiền đặt trước”, hoặc có trường hợp nhà đầu tư “dây dưa” kéo dài việc thanh toán.
Thế Vinh