Đang có không ít ý kiến gây tranh cãi sau khi Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay không có ngân hàng nào cho 4 doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất Thủ Thiêm ở Tp.HCM vay tiền để đặt cọc.
Tiền ở đâu ra?
Theo đó, một nhóm ý kiến thì cho rằng, việc không cho DN vay để đặt cọc trong vụ đấu giá này là đúng khi các ngân hàng thương mại cổ phần đang trong giai đoạn siết chặt cho vay bất động sản nhằm đảm bảo an toàn do nợ xấu bất động sản đang tăng cao.
Những lùm xùm trúng đấu giá đất quá cao ở Thủ Thiêm đang bị “mang tiếng” cho thị trường bất động sản Tp.HCM là nơi có giá đất đắt đỏ, gây khó thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các “sếu đầu đàn”. |
Hơn nữa, với mức đấu giá quá cao thì giá bán ra sẽ là bao nhiêu? Nếu không có người ai mua thì DN trúng đấu giá cho gán lô đất đó lại cho ngân hàng? Rồi với mức giá đó ngân hàng bán lại cho ai mua? Trong khi đó, ngân hàng khó có thể chấp nhận là bên chịu thiệt trước những "đánh đố" như vậy.
Từ vấn đề trên, việc các DN trúng đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm lấy số tiền “khủng” từ đâu để trả cũng đang được đặt ra.
Cho nên, từ đây sẽ thấy việc thắt chặt tín dụng cho vay sẽ đưa đất Thủ Thiêm trở về với giá trị thực của nó. Nhất là đang có những nghi vấn một số DN trúng đấu giá đang vì mục đích khác chứ không phải là vì mục đích đầu tư vào Thủ Thiêm.
Vì vậy, giới chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng cần giám sát chặt các hoạt động của những công ty liên quan đến việc trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm.
Ngoài ra, một nhóm ý kiến khác lại băn khoăn nếu không ngân hàng nào cho 4 DN trúng đấu giá vay hay bảo lãnh thì việc họ làm gì có đủ điều kiện làm thủ tục hồ sơ nộp đấu giá cũng cần được đặt ra. Bởi vì khi nộp hồ sơ đấu giá thì DN phải có hồ sơ chứng minh năng lực tài chính.
Tự lý giải cho chuyện này, một số ý kiến cho rằng đơn giản khi vay của ngân hàng để đặt cọc DN dùng lô đất khác để thế chấp. Rồi sau đó, khi sở hữu lô đất trúng đấu giá thì DN lại thế chấp lô đất này để vay ngân hàng. Và khi mặt bằng giá mới được thiết lập công khai qua phiên đấu giá sẽ đẩy giá của những lô đất hiện tại DN đang sở hữu.
Còn về chuyện “tâm thư” ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Tân Hoàng Minh với mong muốn đơn phương hủy hợp đồng lô đất 3-12 Thủ Thiêm cũng đang được "soi" rất kỹ.
Theo các chuyên gia pháp lý, dù được công bố rộng rãi với truyền thông và cộng đồng, nhưng “tâm thư” này không được xem là văn bản mang tính pháp lý trong việc xác định phía DN đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Và cho đến nay, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản và Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.HCM vẫn chưa nhận được thông tin chính thức gì từ Tân Hoàng Minh về vấn đề này
Còn trong thông báo nộp tiền của Cục Thuế Tp.HCM vào ngày 6/1/2022 về tiền sử dụng đất đối với 4 DN vừa trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo trên, các DN phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất. Chậm nhất trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo trên, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.
Một luật sư cho biết theo quy định, số tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật đấu giá tài sản. Như vậy, nếu đến ngày 7/2, phía Tân Hoàng Minh bất ngờ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu, hợp đồng này vẫn sẽ còn hiệu lực. Nếu đơn vị này tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, xem như họ bỏ cọc và mất số tiền gần 600 tỷ.
Có chê có khen
Còn nếu như Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản và Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.HCM chính thức nhận được văn bản mang tính pháp lý của Tân Hoàng Minh về chuyện đơn phương hủy hợp đồng lô đất 3-12, cũng sẽ không có chuyện đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá, bởi vì phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND Tp.HCM cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá. Cho nên, trong thời gian tới, nếu Tân Hoàng Minh thực sự bỏ cọc thì Nhà nước có thể sẽ phải tổ chức lại phiên đấu giá mới cho lô đất này.
Về cá nhân ông Đỗ Anh Dũng, mặc dù đang nhận nhiều “gạch đá”, chê bai đủ điều từ dư luận sau khi có “tâm thư” xin bỏ cọc lô đất 3 - 12 thì vẫn có một số ý kiến lại có quan điểm khác.
Như quan điểm cá nhân được đăng tải công khai của ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP y dược Ngũ Phúc Đường, đó là ông Đỗ Anh Dũng với tư cách là một doanh nhân, với trách nhiệm xã hội to lớn của mình, đã sẵn sàng hy sinh hơn 500 tỷ đồng để làm trong sạch thị trường.
Như chia sẻ của ông Minh, thay vì chê bai thì hãy ca ngợi ông Dũng vì từ động cơ cho đến hành động của những sự việc này đều xuất phát một cách vô cùng tốt đẹp. Đó là vì ông Dũng không muốn những lô đất đẹp nhất ở Việt Nam lại thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài. Cái gì tốt đẹp nhất trên đất Việt là phải dành cho người Việt.
“Một tinh thần tự tôn dân tộc đáng giá bao nhiêu tỷ như thế còn gì? Không khen thì thôi, tại sao lại chê?”, ông Minh nêu quan điểm riêng của mình.
Không chỉ vậy, ông Minh còn dẫn lại việc tốt đẹp thứ hai của ông Dũng trong việc này là ý thức xây dựng một thị trường bất động sản lành mạnh.
Nhất là sau khi nghe được ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về vụ việc này với ý là làm thị trường bị lũng đoạn, ông Dũng đã hành động như đã nói ở trên.
Có thể nói, những tranh luận phía sau chuyện đấu giá đất vừa qua ở Thủ Thiêm sẽ còn dài và được dư luận ví von: Thấy vậy mà không phải vậy! Tuy nhiên, điều hiển hiện là giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao đang làm giảm tính “hấp dẫn” của thị trường bất động sản Tp.HCM. Nhất là khi bị “mang tiếng” là nơi có giá đất đắt đỏ, gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các “sếu đầu đàn” để thực hiện mục tiêu xây dựng “Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thanh Loan