Tại Diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững", diễn ra sáng 13/10, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận phát triển năng lượng là yêu cầu sống còn, cân bằng giữa việc đảm bảo nhu cầu với bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đang ráo riết tham gia chương trình năng lượng quốc gia hợp lý hiệu quả.
Việt Nam cần nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng. |
Tại thời điểm này, ông Thiên cho rằng cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc sẽ là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm. Việc Trung Quốc thiếu điện có thể ảnh hưởng tới cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Hay nước Nga đã bị thu hẹp diện tích do duy trì các nhà máy điện than quá lâu, công suất lớn cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta.
"Đây sẽ là bài học để Việt Nam lên kế hoạch về chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới, đây cũng là câu chuyện sống còn đối với đất nước", ông Thiên nhấn mạnh.
Từ câu chuyện Trung Quốc, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho hay trong giai đoạn tới đây, Việt Nam vẫn phải đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Hiện nay, chúng ta vẫn chủ yếu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), than nhập khẩu, vì vậy rủi ro khá lớn khi giá thế giới tăng. Nhu cầu thị trường tăng lên, thì sẽ thiếu nguồn cung.
Tuy vậy, nhìn về thực trạng phát triển năng lượng tái tạo một cách ồ ạt hiện nay, ông Sơn cho rằng một bước chậm lại trong thời gian 5 năm tới cũng là cần thiết để huy động nguồn điện năng "đỏng đảnh - năng lượng tái tạo", tránh việc bị cắt giảm công suất nhiều như hiện nay.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, theo tinh thần của Nghị quyết 55, sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường; nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Đồng thời, Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết.
Theo đó, ông Hiển cho rằng Việt Nam cần nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng.
Đồng thời, đánh giá và làm rõ tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành công nghiệp dầu khí, công nghiệp than và các phân ngành năng lượng khác của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đề xuất định hướng và các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
"Đề nghị tập trung vào các giải pháp, chính sách đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí. Kiến nghị cụ thể về các cơ chế, chính sách để ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, vấn đề sửa đổi Luật Dầu khí, cho phép PVN đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, các cơ chế thu xếp vốn...", ông Hiển nói.
Nhật Linh