Mới đây, Hội đồng thẩm định thông qua đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, kết quả có 24/24 phiếu thông qua nội dung đề án Quy hoạch Điện VIII, trong đó có 5 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 19 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa đề án. Những nội dung chỉnh sửa là những nội dung nhỏ. Khi hoàn thiện, ban soạn thảo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ (dự kiến trong tuần này).
Đi ngược xu thế?
Với kết quả 100% thành viên Hội đồng thông qua là khá bất ngờ bởi thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, dự thảo Quy hoạch Điện VIII gây tranh cãi khi cơ cấu nguồn điện than đến năm 2030 được tăng thêm 3.000 MW so với tờ trình gửi Chính phủ trước đó, trong khi nguồn điện tái tạo sẽ giảm tới 6.000 MW.
Một quy hoạch tốt là làm sao phải cân bằng lợi ích các bên, có tiêu chí khách quan phân chia nguồn điện hợp lý. |
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, việc tập trung các nguồn điện truyền thống cho lưới điện hiện tại sẽ đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện nhưng sẽ làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.
Theo bà Khanh, Quy hoạch Điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này. Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.
Bà Khanh cho rằng những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế. Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, Quy hoạch Điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.
Nói với VnBusiness, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm, Việt Nam phải thực hiện chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, không thể nào tiếp tục phát triển điện than được, nếu như chúng ta chậm trễ thì không thực hiện được cam kết với thế giới về giảm khí thải, cũng như bảo vệ môi trường. Để thực hiện điều này chắc chắn đòi hỏi những quyết tâm, nỗ lực cao, cũng như phải có đầu tư về đổi mới công nghệ.
Thực tế, việc tăng công suất năng lượng tái tạo cũng tác động tiêu cực tới lợi ích của một số bên. "Tôi hiểu rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đầu tư nhiều công trình điện than, nhiều công trình chưa thực hiện được và đang còn phải hoàn thành. Nếu thay đổi như vậy, sẽ có các yêu cầu đối với EVN. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải ngồi thảo luận và trao đổi với nhau để sớm thực hiện được chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, huy động được tiềm năng về năng lượng mặt trời, gió (nhất là ở miền Nam và miền Trung)", ông Doanh cho biết.
Cần đặt lợi ích quốc gia lên trên
TS. Lê Đăng Doanh nói rằng, nếu tiếp tục xu hướng phát triển điện than là không phù hợp với lợi ích lâu dài, giá phải trả về ô nhiễm môi trường rất cao. Vừa qua, có sự không "ăn khớp" trong phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể điện gió và mặt trời. "Tại sao chúng ta không thể tìm cách giải quyết vấn đề này thay vì giảm công suất trong giai đoạn tới đây, điều này cần có sự phối hợp của cả EVN", TS. Doanh nói và cho rằng, cần có cuộc bàn bạc thêm nữa về Quy hoạch Điện VIII, trước khi báo cáo với Thủ tướng.
Vị chuyên gia này bày tỏ, ông mong muốn Quy hoạch ngành điện ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió), giảm bớt tác động ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, quá trình này không dễ dàng, có thể có tác động tới lợi ích của một số người nhưng cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên thì mới thay đổi được.
Trong khi đó, chia sẻ với VnBusiness, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, cho biết quan điểm cá nhân ông thì: "Vẫn cảm thấy đề án Quy hoạch điện VIII còn nhiều bất cập. Chưa xét tới việc giảm công suất năng lượng tái tạo mà ngay ở công suất của các dự án điện than quá lớn như vậy thì sẽ sắp xếp vốn ra sao?".
Theo ông Thiện, hiện nay, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không tài trợ cho dự án nhiệt điện than nữa, xu hướng thế giới loại trừ điện than để bắt kịp sự tiến bộ, cũng như dựa trên cơ sở khoa học để nói không với điện than. Vì vậy, nếu Việt Nam tăng công suất thì nguồn vốn là bài toán khá khó khăn.
Còn việc có nên gia tăng điện sạch hay không? Ông Thiện cho rằng thực tế Quy hoạch đưa ra kịch bản phát triển trong thời gian khá dài, tầm nhìn tới 2045. Do vậy, nếu nói ngay lúc này một cách chắc chắn rằng nên hay không nên thì cũng khó. Vì vậy, có thể ban hành Quy hoạch, sau đó bổ sung, hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, định hướng phát triển của đất nước.
"Tôi gắn bó với ngành điện nhiều năm nay, cũng đã chứng kiến quá trình xây dựng Quy hoạch điện từ lần đầu tiên, thấy rằng Quy hoạch nào rồi cũng sẽ có phần bổ sung, điều chỉnh, thay đổi", ông Thiện nói. Theo đó, nếu Quy hoạch Điện VIII được thông qua thì có thể phải chờ khi các dự án điện than không thực hiện được, để đề xuất tăng thêm công suất năng lượng tái tạo.
Bình luận với VnBusiness về Quy hoạch Điện VIII, TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, bày tỏ điều khiến ông băn khoăn nhất là năng lượng tái tạo - vì phát triển năng lượng tái tạo là xu thế chung của thế giới. Thời gian qua nói nhiều về chuyện cố gắng thay thế năng lượng tái tạo cho năng lượng truyền thống như than, dầu. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên có lúc gây ra những bất cập cho vận hành hệ thống điện, phát triển năng lượng tái tạo quá "nóng" cũng làm mất đi vai trò của loại hình này.
"Một quy hoạch tốt là làm sao phải cân bằng lợi ích các bên, có tiêu chí khách quan phân chia nguồn điện hợp lý", chuyên gia Trần Đình Long nhấn mạnh.
Lê Thúy