Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thông tin, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chưa ghi nhận việc các doanh nghiệp (DN) trong nước phản ánh chuyện thiếu nguyên liệu đầu vào.
Hết ở "cửa trên' khi mua nguyên liệu
Đại diện Cục Công nghiệp cho hay, Việt Nam đã đối mặt với đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu vào năm 2020. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ dệt may, da giày cũng như các sản phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp nặng cũng đã được các DN có kinh nghiệm ứng phó và dần thích nghi.
Trung Quốc thiếu điện, doanh nghiệp dệt may lo vì phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ thị trường này. |
Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội trong 2 tháng qua nên nhiều DN sản xuất dừng hoạt động. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện nay chưa thấy rõ sự thiếu hụt và các DN cũng chưa đề cập đến vấn đề này. "Về lâu dài, một số mặt hàng, chẳng hạn như mặt hàng thép trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được như thép xây dựng, chúng ta không lo ngại về vấn đề lệ thuộc vào các thị trường nhập khẩu (NK). Một số ngành khác với những biến động ngắn hạn như vừa qua từ phía Trung Quốc thì trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá việc ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào”, ông Thành khẳng định.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai) cho biết, nguồn nguyên liệu thì vẫn có nhưng vấn đề là tăng giá một cách khủng khiếp. So với cùng kỳ năm ngoái, DN đang phải NK sắt phế liệu với giá cao hơn 100%, phụ gia kim loại tăng 60 - 70%, loại tăng thấp nhất cũng phải 40%.
Theo ông Tứ, khi giá cả tăng, nguyên liệu khan hiếm, một số bên trung gian sẽ bỏ tiền ra gom hàng, DN Việt Nam cần thì phải chấp nhận bỏ tiền để mua với giá cao hơn: "Mình cần nguyên liệu thì mình phải mua chứ không có nhiều sự lựa chọn hay có quyền chê đắt rẻ".
Theo đại diện Công ty Kim Vĩnh Thắng, đa số các nguyên liệu trên Việt Nam không sản xuất được, chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc. Việt Nam chỉ sản xuất sắt xây dựng - luyện thô, chứ không làm được sắt thép kỹ thuật.
Đầu vào tăng giá, nhưng đầu ra nếu khách hàng chia sẻ thì DN mới tăng giá được 50%, phần chi phí còn lại thì DN phải chịu. "DN nào cũng hy vọng giá tăng thì một thời gian nữa ổn định lại, có công ăn việc làm cho công nhân. Chứ tăng đúng như chi phí giá thành sản xuất ra thì khách hàng sẽ bỏ. DN chấp nhận không có lời để duy trì sản xuất", ông Tứ chia sẻ, đồng thời cho biết nếu khách hàng bỏ DN Việt thì sẽ lại chọn Trung Quốc.
Giám đốc Công ty Kim Vĩnh Thắng mong muốn nếu như bài toán về nguyên liệu chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều thì những giải pháp thiết thực có thể hỗ trợ cho DN ngay như giảm tiền điện, tiền nước, giảm tiền thuê đất, tiền thuế, bảo hiểm xã hội... cần phải thực hiện ngay. Công ty Kim Vĩnh Thắng đã hoàn thiện hồ sơ để nhận hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Mấy tháng không có dịch, DN còn có chút lợi nhuận, nhưng 3 tháng nay xem như mất lãi, thậm chí còn âm.
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chi phí sản xuất tăng cao khiến DN hết tiền để mua nguyên liệu. Trong kho của DN đang tồn khoảng 1 triệu lô với giá trị hàng tỷ đồng. DN đang cần huy động khoảng vốn lưu động 100 tỷ đồng chi trả lương cho công nhân, thực hiện 3 tại chỗ, mua nguyên liệu cho mùa Xuân - Hè. Nếu giải quyết được số hàng này, dòng tiền của mới của DN sẽ về nhưng DN cần vốn từ bây giờ để mua nguyên liệu.
Phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện nay đầu vào sản xuất tăng mạnh như các mặt hàng kim loại quý hiếm, cao su nhân tạo... Việt Nam đang có khoảng trống cực kỳ lớn trong ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện...
Vị đại diện DN này dẫn chứng, một tỉnh trồng quế, nếu có DN thu mua ngay để làm dược liệu, mỹ phẩm thì giá trị gia tăng gấp cả trăm lần. Hay với các sản phẩm như lốp xe, linh kiện ô tô, dù Việt Nam có nguyên liệu thô nhưng lại chưa đẩy mạnh được phân khúc này, dẫn đến nhiều linh kiện của ngành ô tô phải nhập khẩu. "Để sản xuất ô tô cần đến 200 mác thép nhưng Việt Nam không đáp ứng được, đây là nỗi đau xót của ngành công nghiệp hỗ trợ", vị này cho biết.
Do vậy, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ kiến nghị Việt Nam cần có một chương trình phát triển nguồn nguyên, vật liệu cho DN công nghiệp, tránh tình trạng phụ thuộc NK.
Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch NK hàng hóa của Việt Nam trong tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch NK nhiều mặt hàng là nguyên liệu sản xuất tăng mạnh như quặng và khoáng sản khác tăng 156,1% (tăng 49,8% về lượng); cao su các loại tăng 131,2% (lượng tăng 112,9%); sản phẩm hóa chất tăng 41,9% (lượng tăng 40,6%); phân bón tăng 42,9% (riêng phân ure tăng 465,2%); chất dẻo nguyên liệu tăng 48,3%; thép các loại tăng 44,6% (riêng phôi thép tăng 273,5%); giấy các loại tăng 36,7%. Bên cạnh đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 32,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 36,2%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 24,5%; vải các loại tăng 24,9%; bông các loại tăng 39,4%...
Trong 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy đầu vào nguyên liệu sản xuất của Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, nguồn cung nguyên liệu vẫn được nhập về Việt Nam song vấn đề như phản ánh của Công ty Kim Vĩnh Thắng là đang phải mua với giá đắt, không có quyền mặc cả.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hoạt động sản xuất của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nguyên phụ liệu NK từ một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Điều này dẫn đến DN Việt Nam không chỉ phụ thuộc đầu vào mà còn đứng trước những rủi ro đầu ra, nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ đặt ra nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam cần tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ DN trong nước thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này sẽ giúp Việt Nam tự chủ được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ... để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong cuối năm 2021 và giai đoạn đến năm 2023.
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Kim ngạch NK trong 2 tháng gần đây giảm nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng mạnh. Song NK tăng hơn 30% là không phải điều đáng lo, bởi NK chủ yếu phục vụ sản xuất. Nhập siêu tăng tập trung nhóm hàng nguyên liệu sản xuất, chiếm 88,6% kim ngạch NK. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số vật liệu cơ bản nhằm từng bước chủ động nguồn linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất cho các DN, giảm dần tỷ lệ NK. Ông Phạm Xuân Hồng Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM Đầu tuần này, nhiều DN dệt may mới bắt đầu sản xuất trở lại, do vậy việc thiếu nguyên liệu hay không thì chưa biết, song nếu thị trường Trung Quốc có biến động thì ngành dệt may Việt Nam có lẽ cũng chịu tác động không nhỏ do phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu của họ. Trong bối cảnh này, DN vẫn quyết tâm phục hồi sản xuất, giải quyết đơn hàng cho khách để tính đường lâu dài, tránh đứt gãy. Dù có khó khăn, chúng tôi cũng phải duy trì sản xuất, chấp nhận lỗ cũng phải làm để tính đường tương lai. Ông Phạm Tất Thắng Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, các hệ thống cung cấp đã bị đứt gãy. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành, lĩnh vực phải NK nhiều nguyên liệu, thiết bị từ bên ngoài như dệt may, giày dép... Đây là thực tế không phải COVID-19 mới nói mà đã đặt ra từ nhiều năm nay, để chủ động được nguồn nguyên liệu cũng cần nhiều giải pháp cả về phía Nhà nước và DN. |
Lê Thúy