Ghi nhận ở xưởng sản xuất của Công ty TNHH PDL trong ngành gốm sứ ở thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) giữa mùa dịch Covid-19 đợt 4 này cho thấy, các công nhân vẫn hối hả làm việc để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.
Kiểm chứng sức chịu đựng
Như chia sẻ của ông Vương Siêu Tín, giám đốc doanh nghiệp (DN) này, dù chịu tác động của dịch bệnh, nhưng năm nay năng lực sản xuất của công ty có thể tăng 20 - 30%.
Để khu vực tư nhân trong kinh doanh nông nghiệp hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19, rất cần đi đúng hướng trong các chính sách trọng tâm. |
Theo ông Tín, đó là nhờ công ty nỗ lực thay đổi tư duy trong giai đoạn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt cho nhân công vừa đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nhất là đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tập trung khai thác nhiều hơn ở kênh bán hàng trực tuyến…
Trong tình hình dịch bệnh diễn ra nặng nề ở Bình Dương trong những tháng qua thì những nỗ lực của các DN thuộc khu vực tư nhân như công ty của ông Tín là rất đáng khích lệ.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu các DN thuộc khu vực tư nhân chuẩn bị tốt như trường hợp DN nêu trên trong giai đoạn khó khăn thì hậu Covid-19 đợt 4 họ sẽ có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Không những vậy, đợt đại dịch lần này cũng là cơ hội để cho các DN khu vực tư nhân “kiểm chứng” lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới, tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, nhằm tìm ra những hướng đi mới hiệu quả và bền vững.
Trong báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam được IFC và Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 22/9 cũng nhấn mạnh cần giúp củng cố khu vực tư nhân để nền kinh tế sớm phục hồi từ đại dịch và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển. Và để thúc đẩy khu vực tư nhân trong giai đoạn Covid-19 và xa hơn thì cần 3 yếu tố chính, đó là: Hỗ trợ, tái cấu trúc và phục hồi bền vững.
Bà Kim See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC, cho rằng với làn sóng Covid-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.
Khơi thông kinh doanh nông nghiệp
Báo cáo nghiên cứu của nhóm Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận kinh doanh nông nghiệp là một trong những ngành có tiềm năng mạnh mẽ để khu vực tư nhân tham gia.
Kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam được đánh là ngành có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, cải thiện về năng suất, chi phí hoạt động, chất lượng và an toàn, và tính bền vững sẽ giúp thúc đẩy ngành này phát triển hơn nữa.
Như khuyến nghị trong báo cáo lần này của Nhóm Ngân hàng Thế giới và IFC, để tăng năng suất nông nghiệp thì yêu cầu giải quyết các chính sách đất đai, tiếp cận nguồn vốn; chi phí kho vận cao, an ninh lương thực, và an toàn sinh học; áp dụng rộng rãi hơn công nghệ kỹ thuật số và các công cụ quản lý rủi ro.
Theo giới chuyên gia, để mở đường cho khu vực tư nhân trong kinh doanh nông nghiệp hồi phục nhanh sau đợt đại dịch Covid-19 lần này thì việc có thêm các chính sách giúp gỡ khó cho ngành hàng nông sản là rất quan trọng.
Đây cũng là vấn đề mà VnBusiness đề cập trong thời gian gần đây, sẽ như “liều thuốc” để hoạt động kinh doanh nông nghiệp đối phó tốt hơn với các bất trắc từ đại dịch.
Chính vì vậy, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được chính thức ký ban hành hôm 21/9/2021 đã tạo không khí phấn khởi cho những người kinh doanh nông nghiệp.
Chỉ thị này được cho là sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là các DN chế biến, xuất khẩu nông sản ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Bên cạnh đó, thông qua Chỉ thị 26/CT-TTg sẽ bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Nhất là việc tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.
Hơn thế nữa, chỉ thị này có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Rõ ràng, với chính sách như vậy sẽ tạo động lực hồi phục nhanh hơn cho hoạt động kinh doanh nông nghiệp vốn đầy rẫy khó khăn trong đợt dịch bệnh lần này.
Ngoài việc đi đúng hướng trong các chính sách trọng tâm, các nhà phân tích của IFC cho rằng các hiệp định thương mại gần đây đã mở ra cánh cửa để tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường lớn hơn, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu đánh giá khu vực tư nhân ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới và IFC, cam kết của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân đã mang lại tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn cơ hội để hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý, hợp lý hóa quy trình, cải thiện việc thực hiện, và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.