Mới đây, theo kết quả thanh tra của Cục Thuế tỉnh An Giang giai đoạn 2014 – 2017, một doanh nghiệp (DN) danh tiếng trong ngành nông nghiệp là CTCP Tập đoàn Lộc Trời đã bị truy thu trên 51 tỷ đồng gồm thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Nhập nhằng nợ thuế
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng khi gửi công văn thuyết minh đến một số cơ quan chức năng, đại diện Tập đoàn Lộc Trời lý giải dù bị truy thu thuế 51 tỷ đồng cho giai đoạn 2014 – 2017 nhưng công ty sẽ không phải nộp thêm vì tính tới tính lui, DN vẫn còn dư hơn 6,2 tỷ đồng từ tiền hoàn thuế.
Trên trang thông tin điện tử của DN này cũng đăng tải công bố thông tin bất thường do Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn ký ngày 27/12/2018 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong đó có nêu rõ theo Quyết định số 5525/QĐ-CT ngày 26/12/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế giai đoạn 2014 – 2017, cụ thể: Số thuế TNDN, thu nhập cá nhân truy thu 39,71 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp là hơn 3,5 tỷ đồng, số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 7,94 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, vụ việc cưỡng chế thuế hơn 3.100 tỷ đồng (bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007-2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ) ở Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng DN trong những ngày đầu năm 2019.
Trong khi DN này có văn bản phản hồi Cục Thuế Tp.HCM là không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành, thì mới đây, Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM lại cho biết các tài khoản của Sabeco mà cơ quan thuế nắm được đều không còn tiền nên Cục Thuế chỉ tạm thời phong tỏa các tài khoản này.
Vụ việc cưỡng chế thuế được cho là nhập nhằng vì liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là khi hơn 53% cổ phần Sabeco được bán cho nhà đầu tư Thái Lan thì số tiền nợ thuế nêu trên có được thể hiện rõ trong bảng cân đối kế toán, các thông tin giải trình kết quả kinh doanh hay không?
Đặc biệt, cần xác định rõ vấn đề tồn tại về thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco có được Bộ Công Thương trình bày trong bản cáo bạch công bố thông tin ở hồ sơ chào bán vốn nhà nước ra công chúng vào cuối năm 2017?
Những khúc mắc giữa DN với ngành thuế vẫn còn ngổn ngang |
Khó tránh lúng túng
Cần nhắc lại, vào năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã từng kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 đối với Sabeco là 408,8 tỷ đồng. Việc này cũng gây nhiều tranh cãi, có những ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng hệ thống thuế không đảm bảo được tính chắc chắn, ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN.
Nêu ra hai trường hợp điển hình như trên trong vô vàn những vướng víu khác để thấy rằng những khúc mắc giữa DN với ngành thuế vẫn còn ngổn ngang.
Xét ở góc độ quản lý thuế được tốt hơn, giới chuyên gia mong rằng chính sách, pháp luật thuế cần ổn định và có tính dự đoán cao. Hơn nữa, việc thanh toán tiền hoàn thuế cho DN cần được tiến hành nhanh chóng để trả lại vốn cho DN hoạt động. Cơ quan thuế cần rút ngắn thời gian và giảm tần suất thanh kiểm tra, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đường Quảng Ngãi, cho biết các thủ tục về thuế đến nay đã tạo điều kiện rất nhiều cho DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện của DN cũng có những việc chưa hiểu hết được, trong khi văn bản của Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài chính giai đoạn gần đây thay đổi rất nhiều và có những vấn đề cần điều chỉnh.
"DN trong quá trình thực hiện cũng chưa nắm bắt hết được, nên dĩ nhiên khó tránh khỏi lúng túng. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có một nội dung là các cơ quan quản lý thuế đã hướng dẫn DN rồi mà giả sử sau này có phát hiện những sai sót đó thì không có truy thu, truy phạt. Tôi thấy rằng đó là vấn đề rất hợp lý", ông Phương nói.
Kể cả trong thanh tra, kiểm tra thuế, theo ông Phương, làm sao để tạo điều kiện tốt hơn cho DN. Trong năm 2019, ngành thuế cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất để DN phát triển.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết cơ quan thuế đang hướng tới việc hỗ trợ người nộp thuế, thực hiện hướng dẫn người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, cũng như thanh tra kiểm tra trên cơ sở nguyên tắc là quản lý rủi ro.
"Cơ quan thuế nâng cao hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để tập trung quản lý rủi ro. Điều này vừa một mặt hỗ trợ người nộp thuế, vừa một mặt đảm bảo tuân thủ pháp luật về thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, cũng như tạo sự bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế của DN", ông Tuấn chia sẻ.
Thế Vinh