Điều tréo ngoe giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 “leo thang” kéo dài qua những ngày đầu tháng 8/2021 tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam là mức giá sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vẫn duy trì ở mức cao, trong khi giá gà công nghiệp xuất chuồng và giá lợn hơi lại ở mức rất thấp.
“Tréo ngoe” đầu vào - đầu ra
Ghi nhận trong ngày 3/8 ở một số siêu thị có chương trình bình ổn thị trường tại Tp.HCM, giá gà công nghiệp làm sẵn là 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà công nghiệp xuất chuồng ở các tỉnh phía Nam chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg trong bối cảnh khoảng 60 triệu con gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng đang tắc đầu ra vì hàng loạt lò giết mổ tạm ngừng hoạt động.
Chuỗi cung ứng chế biến thịt trong khó khăn giữa dịch bệnh đang cần “kích hoạt” và “giữ bằng được” các cơ sở giết mổ. |
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong lúc này là cần có biện pháp để giải quyết đầu vào, đầu ra, làm tốt việc phân phối và “giữ bằng được” các lò giết mổ để tránh đứt chuỗi cung ứng sản phẩm thịt.
Theo giới chuyên gia, điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng sản phẩm thịt ở các tỉnh phía Nam hiện nay nằm ở khâu giết mổ. Các khu giết mổ tập trung hiện gần như không hoạt động vì dịch Covid-19.
Từ giữa tháng 7/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có đề nghị các địa phương bằng mọi biện pháp phải “giữ bằng được” các cơ sở giết mổ, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào.
Thế nhưng sau đó, một loạt cơ sở giết mổ ở Tp.HCM và các tỉnh lân cận buộc phải dừng hoạt động, giảm công suất do có nhân công là ca “F0” hoặc không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh.
Ở Tp.HCM hiện chỉ còn 9 cơ sở giết mổ đang hoạt động, giảm 4 cơ sở do dịch bệnh (Phước Kiển, An Nhơn, Xuyên Á, Bình Tân). Tính ra, công suất của các lò mổ ở Thành phố đã giảm 54,6% so với trước dịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á ở huyện Củ Chi cho biết, trước dịch, trung bình mỗi ngày, cơ sở giết mổ khoảng 1.500 con lợn. Nhưng từ khi dịch bùng phát, trong cơ sở đã phát hiện một số nhân viên là “F0”, nên cơ sở quyết định tạm ngưng hoạt động.
Riêng Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng thuộc huyện Hóc Môn dù vẫn hoạt động nhưng chỉ với 3/13 dây chuyền, công suất khoảng 1.000 con/ngày. Do lo ngại dịch bệnh nên nhiều công nhân đã không đến nhà máy để ở lại sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”.
Còn tại Đồng Nai, ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ cơ sở giết mổ ở huyện Trảng Bom cho biết, cơ sở của ông hiện chỉ duy trì đạt mức 60-70% công suất giết mổ so với trước.
Lý do một phần vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm sút, một phần do cơ sở này thiếu đội ngũ lao động vì thực hiện giãn cách và tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch.
Chờ “kích hoạt” lại các lò giết mổ
Theo ông Long, dù rất nhiều đơn vị đặt hàng giết mổ gia công sau khi các điểm giết mổ ở Tp.HCM tạm đóng cửa nhưng ông không nhận làm vì phải ưu tiên công tác đảm bảo phòng, chống dịch trong sản xuất.
Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm thịt ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, việc “kích hoạt” các lò giết mổ hoạt động trở lại rất cần thiết. Tuy nhiên, để các cơ sở giết mổ vừa hoạt động vừa thực hiện nguyên tắc “5K”, thực hiện phương thức “3 tại chỗ” thì không phải là điều dễ dàng.
Giới chuyên gia lo ngại việc các cơ sở giết mổ bị buộc phải đóng cửa, giảm công suất dẫn đến sản lượng thịt cung ứng ra thị trường sụt giảm, giá cả lại leo thang.
Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng giữa khó khăn do dịch bệnh bủa vây lại phải móc thêm “hầu bao” để mua sản phẩm thịt. Trong khi đó, người chăn nuôi chỉ biết “khóc ròng” khi gà, lợn đến ngày xuất chuồng vừa đối mặt giá mua thấp từ thương lái, vừa phải “mỏi cổ” chờ lò mổ hoạt động lại.
Theo giới chuyên gia, việc đóng cửa, giảm công suất hàng loạt các cơ sơ giết mổ ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam trong lúc này có nguy cơ đe dọa tính liên tục trên diện rộng của chuỗi cung ứng thịt và gia cầm...
Có thể nói, dịch Covid-19 đợt 4 đang đẩy chuỗi cung ứng thịt tại các tỉnh phía Nam đi đến giới hạn, nhất là tình trạng khó khăn của người chăn nuôi. Như ở Đồng Nai, tổng đàn gia cầm đạt trên 25,6 triệu con, chủ yếu là gà công nghiệp, trong khi đầu ra lại gặp khó khăn nên đây là một trong những mặt hàng có giá giảm sâu nhất hiện nay.
Việc tắc đầu ra của sản phẩm gia súc, gia cầm như lúc này ở các tỉnh phía Nam rõ ràng là bất cập lớn. Trong khi người chăn nuôi dù giá sụt giảm mạnh, lại không thể bán ra để được chế biến, nhưng với số lượng ứ đọng đó lại đủ để cung cấp cho người tiêu dùng cả nước vốn đang rất cần nguồn cung sản phẩm thịt giá rẻ giữa dịch bệnh.
Trước tình hình như hiện tại, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 (Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN&PTNT), các địa phương cần báo cáo Tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên mắc Covid-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, các chủ cơ sở giết mổ cho rằng, để “kích hoạt” trở lại thì điều cần thiết trong lúc này là đội ngũ công nhân của họ sớm được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm giải quyết sớm.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |