Trước tình trạng đã có đến 43 công nhân dương tính SARS-CoV-2 (trở thành 43 ca “F0”), ngày 28/7 CTCP thực phẩm Vissan đã ngừng giao hàng tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Tp.HCM.
Ám ảnh với ca “F0”
Để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát dữ dội thì doanh nghiệp (DN) này đã thực hiện phương án “3 tại chỗ" từ 28/6 cho đến khi số công nhân nhiễm Covid-19 và trở thành ca “F0” không ngừng gia tăng.
Các DN thực phẩm ở Tp.HCM đang đối mặt áp lực lớn để duy trì sản xuất nếu phát sinh các ca “F0”. |
Điều đáng nói nguồn cung heo thịt của Vissan hiện đang chiếm khoảng 28% lượng tiêu thụ ở Tp.HCM. Trong đợt dịch này, để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ, DN này đã tăng công suất giết mổ lên 1.000 - 1.500 con heo/ngày (so với ngày thường chỉ 600-700 con/ngày).
Làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, phía Vissan cũng đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất, đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc và sau đó kết quả kết quả âm tính công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu vực riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất.
Phương án thứ hai, dừng sản xuất cho đến khi số lượng F1 và F2 hết thời hạn cách ly được quay trở lại làm việc. Với phương án này thì công ty có khả năng ngừng hoạt động 3 đến 4 tuần.
Vấn đề này khiến cho người tiêu dùng lo ngại khi nơi sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu lại phải đình trệ vì vấn đề dịch bệnh. Và, họ cũng mong là các DN thực phẩm khác không rơi vào tình huống khó như vậy dù biết giữa dịch bệnh thì rủi ro cho việc duy trì sản xuất là rất khó lường.
Cần nhắc thêm là trong báo cáo tài chính quý II/2021 được Vissan công bố mới đây cho thấy tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 thì DN này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 13,5% và 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài vấn đề mà Vissan đang gặp phải thì theo thông tin Sở NN&PTNT Tp.HCM, hiện Thành phố cũng có 3 cơ sở giết mổ heo đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm Covid-19.
Không những vậy, nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn ở Tp.HCM cũng đã đóng cửa vì phát hiện “F0” trong khi đây là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của Thành phố, có công suất trung bình từ 60.000 - 100.000 con gà mỗi đêm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho biết tình hình thực tế của ngành thực phẩm hiện nay, như với mặt hàng thịt, nước mắm, mì ăn liền, trứng... các DN trong hội có thể ổn định cho Tp.HCM được 3 tháng cho dù có “kịch bản” gì xảy ra.
Khó chồng khó
Tuy nhiên, bà Chi cũng bày tỏ nỗi lo về khả năng đáp ứng của DN đối với nhu cầu của người mua. Chẳng hạn như có trường hợp yêu cầu mua 100 thùng mì ăn liền để làm từ thiện giữa mùa dịch thì không thể mua được cùng lúc với số lượng như vậy.
Bởi lẽ, theo bà Chi, nhà máy sản xuất mì ăn liền có thể chuẩn bị nguyên vật liệu sản xuất trong 3 tháng, nhưng trong đó có những mặt hàng không thể nào cung ứng về kịp. Đơn cử như phía đơn vị cung ứng bột nêm hay hành lá có công nhân dương tính với SARS-CoV-2, trở thành “F0” thì xem như đơn vị đó đóng cửa 14 ngày.
“Với trường hợp như trên thì sản phẩm mì ăn liền chưa thể sản xuất được”, bà Chi nói.
Không chỉ vậy, có những DN sản xuất mì ăn liền cũng đang bày tỏ băn khoăn là trên bao bì có liệt kê các nguyên liệu đầu vào, nếu như DN thiếu bột nêm hay hành lá trong “mùa” Covid-19 này, khi sản xuất ra để đáp ứng ngay nhu cầu của người tiêu dùng thì ai sẽ chịu trách nhiệm vì đã sai với bao bì được in trước đó.
Như chia sẻ của vị chủ tịch FFA thì các DN thực phẩm đang “khó chồng khó” hoặc có thể nói là khó “kinh khủng” trong tình hình hiện nay. Như giá nguyên liệu đầu vào tất cả đều tăng 20 - 30%, trong khi các DN mì ăn liền đã bắt tay nhau không tăng giá.
“Điều mong mỏi của các DN thực phẩm trong lúc này là cần sự hỗ trợ sát sao của chính quyền địa phương, nhất là xử lý nhanh chóng kịp thời các ca “F0” trong công ty, cũng như vấn đề sớm tiêm vắc xin cho các công nhân trong ngành thực phẩm thiết yếu”, bà Chi bày tỏ.
Có thể thấy áp lực lớn đối với các DN sản xuất thực phẩm thiết yếu hiện nay là không được phép đứt gãy nguồn cung ứng thị trường trước nhu cầu tiêu dùng, dự trữ của người dân giữa dịch bệnh.
Trong khi đó, ở một số nhóm mặt hàng trong ngành thực phẩm, các DN vẫn đang gặp khó khăn ngắn hạn vì chỉ có thể đáp ứng 50% phương thức sản xuất “3 tại chỗ” cho công nhân (chẳng hạn như với DN chế biến thuỷ hải sản). Điều này làm cho sản lượng sản xuất của DN cũng giảm tương ứng theo.
Không những vậy, để đảm bảo việc sản xuất không bị đứt gãy là cả thách thức lớn đối với các DN thực phẩm nếu phát sinh các ca “F0” trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”. Điều này có thể thấy từ trường hợp của Vissan khiến cho việc duy trì sản xuất trở nên “hóc búa” hơn bao giờ hết với các DN thực phẩm như lúc này
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |