Ở “thủ phủ” của miền Tây Nam Bộ là Tp. Cần Thơ, số liệu thống kê cho thấy tính riêng nửa đầu năm 2022 Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã thu hút được 4 dự án mới vào khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,44 triệu USD.
Bức tranh tương phản
Riêng về thu hút vốn FDI, trong 6 tháng qua Cần Thơ có 2 dự án với vốn đăng ký thực hiện khoảng 161 triệu USD. Tính lũy kế đến cuối tháng 6/2022, thành phố này có 85 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 22% tổng vốn đăng ký.
Điểm yếu cố hữu ở một số chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn còn chậm cải thiện, sụt giảm và thua sút so với các vùng khác trong cả nước khiến cho việc thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL càng khó chuyển biến tích cực. |
Theo đánh giá, hoạt động thu hút vốn trong và ngoài nước của Cần Thơ vẫn chưa có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp (DN) đăng ký mới chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ; các dự án đầu tư có quy mô lớn làm chuyển biến hoạt động sản xuất, góp phần thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng là chưa nhiều.
Ngược lại, ở một tỉnh “cửa ngõ” của miền Tây Nam Bộ là Long An, số liệu cho thấy riêng nửa đầu năm nay đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 53 dự án đầu tư trong nước và 24 dự án đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, có nhiều dự án đang hoạt động tăng vốn. Long An hiện đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nêu ra vài con số ở hai địa phương nêu trên để thấy “bức tranh tương phản” có cả “điểm xám” và “điểm sáng” trong thu hút đầu tư ở vùng ĐBSCL. Với “điểm sáng” từ Long An - có khả năng thu hút vốn FDI nhất vùng ĐBSCL, được cho là nhờ kề cận Tp.HCM, cũng như việc cải thiện hạ tầng giao thông (triển khai thi công nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với Tp.HCM và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL), cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra nhiều quỹ đất sạch với giá cả cạnh tranh.
Còn về “điểm xám” thì không chỉ Cần Thơ mà ở nhiều tỉnh khác của ĐBSCL với con số thu hút đầu tư trong nước và FDI vẫn còn rất khiêm tốn. Nhất là khi những điểm yếu cố hữu ở vùng đất được mệnh danh là “vựa nông sản” của cả nước vẫn còn chậm cải thiện.
Chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở Tp.Cần Thơ ngày 1/8, Ts. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) cho biết, ĐBSCL có thế mạnh ở các chỉ số “tiếp cận đất đai”, “chi phí thời gian”, “chi phí không chính thức”, “cạnh tranh bình đẳng”, “tính năng động”. Thế nhưng 5 chỉ số này chỉ chiếm 30% trọng số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam).
Lo thua sút các chỉ số
Ts. Vũ Thành Tự Anh nói rằng, khi nhìn vào các điểm yếu vùng ĐBSCL thấy có 3 điểm yếu quan trọng. Thứ nhất là chỉ số “gia nhập thị trường”, thứ hai là “tính minh bạch”, thứ 3 là “đào tạo lao động”. Cả 3 chỉ số này cùng nhau chiếm tới 45% trọng số của PCI.
Và quan trọng không kém khi đây là các chỉ số then chốt để nhà đầu tư có quyết định đầu tư vào đây hay không. Bởi lẽ, các DN phải đầu tư vào môi trường minh bạch, đầu tư vào nơi có lao động được đào tạo và đầu tư vào nơi mà có thể gia nhập thị trường tốt.
“Đây là chỉ số tiêu cực, đi xuống của vùng ĐBSCL trong mấy năm vừa qua. Đặc biệt là chỉ tiêu về đào tạo lao động trong 4 năm trở lại đây của ĐBSCL luôn luôn nằm trong nhóm thấp nhất. Đó còn là vấn nạn mà chúng tôi đã chỉ ra trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 và vẫn lặp lại trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022”, vị chuyên gia của Fulbright Việt Nam chia sẻ.
Nếu nhìn bản đồ thị thể hiện về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động khu vực nông lâm thuỷ sản ở ĐBSCL thì thấy rằng chỉ số đều thấp. Chẳng hạn như tỷ lệ chưa qua đào tạo hiện vẫn chiếm trên 90%.
Mặt khác, ngay cả lĩnh vực chuyển đổi số cũng cho thấy các tỉnh thuộc ĐBSCL đang đi xuống. Điển hình là chỉ số thương mại điện tử của đa số tỉnh ở ĐBSCL (giai đoạn 2019 - 2021) được ghi nhận là sụt giảm về thứ hạng, năm sau lại sụt giảm hơn năm trước.
“Từ đó để thấy mức cạnh tranh về thương mại điện tử, cạnh tranh về chuyển đổi số, mức cạnh tranh về phát triển công nghệ thông tin ở vùng này đang có vấn đề, dù cho chúng ta thường nói chuyển đổi số, cách mạng số là động lực cho phát triển”, Ts. Vũ Thành Tự Ý lưu ý thêm.
Bên cạnh đó, PCI cũng là “bức tranh” hơi buồn của ĐBSCL. Như hồi năm 2021 PCI của vùng này đã tụt hạng, chỉ đứng trên vùng Tây Nguyên và vùng Trung du miền núi phía Bắc, còn lại là đứng sau các vùng khác trong cả nước. Điều này rất đáng lưu tâm, bởi khi môi trường kinh doanh có tốt chưa chắc đầu tư đã tới, còn một khi môi trường kinh doanh chưa tốt thì làm sao nhà đầu tư có thể tới được?
Theo giới chuyên gia, năng suất công nghiệp phụ thuộc vào đầu tư, trong bối cảnh của Việt Nam thì quan trọng nhất là đầu tư của khu vực FDI, đây chính là điểm yếu cố hữu của ĐBSCL.
Ngoài ra, các hoạt động sản xuất công nghiệp còn lại của ĐBSCL nhìn chung khá trầm lắng, nếu có tăng trưởng thì chủ yếu vào các hoạt động chế tạo - chế biến thâm dụng lao động với giá trị thấp.
Từ đó, có thể nói đối với dòng vốn FDI thì vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự tỏ ra hấp dẫn. Một phần do bất lợi về mặt địa lý và khả năng kết nối giao thông. Tuy nhiên, nếu nhìn vào “điểm sáng” ở Long An thì vẫn hy vọng “vựa nông sản” miền Tây sẽ có chuyển biến về thu hút đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt ở các tỉnh trong vùng cần phải cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Thế Vinh