Nhìn vào những khó khăn hiện hữu trong 7 tháng đầu năm 2022 của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngành gỗ, vận tải, ngành nông nghiệp hay nhiều lĩnh vực khác để thấy sức phục hồi sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa thật bền vững.
Những thông tin vào cuối tháng 7/2022 cho thấy các doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ đang đối mặt nhiều khó khăn chưa từng có, trong đó phải kể đến tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng sản xuất, kéo theo tình hình tài chính trở nên bế tắc. Điều này khiến cho việc phục hồi của DN sau đại dịch Covid-19 còn khá gian nan.
Khó khăn còn hiện hữu
Như cuộc khảo sát nhanh đối với 52 DN ngành gỗ do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với Tổ chức Forest Trends vừa tiến hành trong 2 tuần gần đây cho thấy, có khoảng 71% DN cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Khó khăn vẫn còn hiện hữu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN, HTX mong phía ngân hàng cần tiếp tục “trợ lực” để vượt khó. |
Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng nguồn thu của họ sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022. Ngoài ra, có 44,2% DN cho biết có thể cầm cự được từ 3-6 tháng, 23,1% DN cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% có thể cầm cự dưới 3 tháng.
Trước những khó khăn như hiện tại, theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Forest Trends, các DN ngành gỗ đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào.
Và điều mong muốn của các DN ngành gỗ là các ngân hàng thương mại nên xem xét tiếp tục giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, nhằm giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Ngoài vấn đề của ngành gỗ, trong 7 tháng đầu năm nay, những khó khăn khi phục hồi sau đại dịch Covid-19 được cho là vẫn còn hiện hữu ở các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác. Và tương tự, mong mỏi của họ là cần tiếp tục được khoanh giãn nợ, giảm lãi suất vốn vay, được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Chẳng hạn, trước khó khăn của các DN trong ngành vận tải, trong tháng 7/2022, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN.
Bên cạnh đó, theo giám đốc điều hành một công ty taxi ở Tp.HCM, các DN vận tải gặp nhiều khó khăn khi phục hồi sau đại dịch, chi phí xăng dầu lại tăng cao, thời hạn DN cơ cấu nợ ngân hàng cũng hết. Trong khi đó, dòng tiền là huyết mạch của DN, nếu không được cơ cấu nợ thì sẽ tiếp tục khó khăn.
Hoặc như trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo một lãnh đạo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nông dân hiện phải mua vật tư, phân bón với giá đắt và dễ dính “bẫy" tín dụng và "tín dụng đen" ở nông thôn do nông dân và các hợp tác xã (HTX) vừa “đói” vốn vừa khó tiếp cận được vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.
Sức phục hồi chưa bền vững, rất cần “trợ lực”
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho nông dân và HTX rất cần khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng các gói tín dụng cho khu vực HTX và gắn với các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ đã từng được thí điểm trước đó.
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số các DN vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính thì hiện chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống.
Rõ ràng đây là hạn chế rất lớn, nhất là khi phía ngân hàng thừa vốn nhưng DN vừa và nhỏ vẫn không tiếp cận được vốn vay vì “chưa đủ độ tin cậy”.
Trong khi đó, theo phản ánh ở một số địa phương, đến nay, việc tiếp cận gói hỗ trợ vẫn đang gặp một số vướng mắc, trong có vấn đề “room” tín dụng của một số ngân hàng hiện không còn nhiều. Điều này tác động tới hoạt động cho vay, tiến độ giải ngân vốn vay đến khách hàng, đặc biệt là các gói vay vốn ưu đãi.
Giữa khó khăn của DN cũng nên lưu tâm thêm số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn DN, tăng đến 18,7% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có 13,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Nhìn vào các con số nêu trên để thấy rằng, các DN vẫn đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19 và song song đó cũng có một số bộ phận DN ở một số lĩnh vực, ngành nghề còn nhiều khó khăn.
Điều này chứng tỏ sự khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa thực sự bền vững. DN thành lập nhiều nhưng rút lui cũng nhiều, hoặc chuyển sang lĩnh vực phù hợp hơn với yêu cầu mới sau đại dịch. Và DN đang phải đối mặt với nhiều biến động trên thị trường cũng như áp lực về chi phí, từ đó ảnh hưởng lớn đến dòng vốn của họ.
Trở lại vấn đề của DN ngành gỗ, ngoài chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh thì giá cước vận chuyển container sang các thị trường cũng là nỗi ám ảnh. Chẳng hạn với xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ từ đầu năm 2022 đến nay liên tục duy trì ở mức cao, dao động từ 10.000-14.000 USD cho mỗi container, khiến cho giá mỗi đơn hàng nội thất gỗ từ Việt Nam đến tay khách hàng bị đội lên gấp đôi. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN gỗ Việt so với nhiều đối thủ khác.
Trước bài toán nêu trên, nếu như không được tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ sẽ khiến cho DN ngành gỗ gặp khó trong việc mua nguyên liệu và cả trong hoạt động xuất khẩu, làm mất cân đối dòng tiền của DN. Cho nên, điều mong mỏi của DN là phía ngân hàng nên xem xét kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2022 để “trợ lực” cho DN.
Thế Vinh