Mở đầu câu chuyện về nghề thủ công mỹ nghệ, ông Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp kể, khi sang Nga nghiên cứu, ông thăm một làng nghề có những nghệ nhân làm ra sản phẩm gấu Misa. Thời điểm đó, với sự nổi tiếng của mình, họ đã yêu cầu mỗi con gấu phải được khắc tên mình và bán với giá rất cao.
Tiêu thụ trong nước vẫn chiếm 80-90%
Ông Văn cũng kể câu chuyện năm ngoái tại Paris (Pháp), bức sơn mài “Phong cảnh Phnom Penh” của họa sỹ Lê Quốc Lộc - cha của ông, được bán với giá 1,2 triệu Euro (khoảng 32 tỷ đồng) trong phiên đấu giá.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn loay hoay giải bài toán thương mại, nâng cao giá trị. |
Kể những câu chuyện trên, ông Văn chia sẻ, rõ ràng giá trị của mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất lớn, thậm chí là vô tận. Nhưng ông cũng rất thương những nghệ nhân ở Việt Nam khi đa phần sản phẩm sản xuất ra vẫn phải bán với giá rẻ, quá bèo bọt.
Làm sao để thương mại được sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng là trăn trở mà nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia và chính những nghệ nhân đặt ra tại Hội thảo "Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và làng nghề" ngày 3/11. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng với con số thống kê có 8.500 sản phẩm nhưng còn gặp khó khăn trong vấn đề thương mại hóa, nâng cao giá trị.
Theo ông Thịnh, câu hỏi lớn nhất lúc này là làm thế nào để tiếp tục phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Làm thế nào để nghệ nhân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển thủ công mỹ nghệ nói chung cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chứng nhận OCOP trong tương lai?
Thực tế, thời gian qua, nhiều HTX đã khá thành công trong việc đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra thế giới. Đơn cử như HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành, Quảng Nam), dù trong bối cảnh COVID-19 năm 2021 vẫn xuất bán được 245.000 sản phẩm giỏ mây các loại, khay mây, lu tròn, rương đựng quần áo, giỏ đựng trái cây, bàn ghế bằng mây tre, đồ dùng trang trí nội thất khác theo đơn đặt hàng của các nước châu Âu, châu Á, các nhà hàng, khách sạn trong nước và được đối tác đánh giá cao về uy tín, chất lượng.
HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ là điển hình của kinh tế hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, HTX vẫn ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho 50 - 100 lao động với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy vậy, thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn chủ yếu ở trong nước, chiếm 80-90%. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch
Đặt ra bài toán phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm OCOP, Việt Nam có thể học Nhật Bản và Thái Lan. Hiện, Thái Lan có 270 nghìn sản phẩm OCOP, trong khi Việt Nam có chưa đến 9.000 sản phẩm. Rõ ràng dư địa để Việt Nam có số lượng sản phẩm OCOP nói chung, cũng như OCOP thủ công mỹ nghệ là rất lớn, vì chúng ta cũng có những điều kiện tương đồng như Thái Lan.
Đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông Đình Anh lưu ý cần có sự tâm huyết của nghệ nhân, kèm theo đó là câu chuyện sản phẩm cực kỳ sinh động. "Nếu phát triển sản phẩm gắn với câu chuyện khiến người ta xúc động, có người sẽ sẵn sàng bỏ ra vài tỷ để sở hữu chính sản phẩm đó", ông nói.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang tìm thêm hướng đi trong phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đó là xuất khẩu sản phẩm qua đường xách tay về nước của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
“Chúng ta bán sản phẩm OCOP không chỉ bán hình hài mà bán câu chuyện, giá trị của sản phẩm đó”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh giá trị của vài nghìn sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ có thể bằng nhiều container sản phẩm khác cộng lại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắn nhủ: Mỗi người trong chúng ta không nên nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ một cách thông thường, mà hãy lắng đọng, suy tư để cảm nhận được hồn cốt, tinh hoa của sản phẩm. Theo đó, hãy nhìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chúng ta tự tin đặt ngang hàng với các sản phẩm của các nước trên thế giới.
"Chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn làm tốt hơn, tinh tế hơn. Bởi lẽ, chúng ta tạo nên sản phẩm đó bằng giá trị Việt, tâm hồn Việt và con người Việt”, Bộ trưởng NN&PTNT chia sẻ.
Nhật Linh