Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tại họp báo trước thềm “Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022, dự kiến diễn ra từ ngày 2 - 6/11/2022, tại Khu Hội chợ Triển lãm, giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. |
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, vượt qua khó khăn về biến động của kinh tế thế giới, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu và chuyển đổi xu thế tiêu dùng, nông nghiệp Việt Nam luôn được xem là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Với việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang Kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ theo hướng tích hợp đa giá trị, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chi phí sản xuất nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về chất lượng, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Các sản phẩm tham gia Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022. |
“Nhằm tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, địa phương, doanh nghiệp, HTX khôi phục sản xuất và phát triển thị trường, tiếp nối thành công trong việc tổ chức Hội chợ Làng nghề Việt Nam – Craftviet và Hội thi các năm trước đây. Năm 2022, Bộ NN&PTNT giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản; Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức Hội chợ lần này”, ông Tiến nói.
Ban tổ chức cho biết, dự kiến quy mô Hội chợ vào khoảng 150 gian hàng tiêu chuẩn và 1.200m2 sàn trưng bày được thiết kế đặc biệt.
Đáng chú ý, Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, phố nghề truyền thống: gốm Bồ Bát Ninh Bình, Lụa Nha Xá Thanh Trì, Hà Nội, gốm sứ vẽ thủ công Bắc Giang, dệt thổ cẩm, gốm nung, thủ công mỹ nghệ mây tre đan Ninh Thuận, dệt thổ cẩm Hòa Bình, dệt lanh, thổ cẩm Hà Giang, trầm hương Quảng Nam, dệt thêu thổ cẩm dân tộc Dao, mỹ nghệ từ dừa Bến Tre, gỗ mỹ nghệ Phú Thọ…
Nằm trong khuôn khổ sự kiện là Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022. Đến nay, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được 364 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả của cả 03 miền.
Ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ ấn tượng với những tác phẩm thủ công mỹ nghệ dự thi sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp hay phế liệu như lốp ô tô, mảnh nhựa, vỏ cây… nắm bắt xu thế tiêu dùng xanh gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm được làm từ gốm, vải… hướng tới sử dụng nguyên vật liệu sẵn có để đảm bảo phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Có thể nói, tái sử dụng nguyên liệu sẵn có trên cơ sở tay nghề tinh xảo chính là để tạo ra sản phẩm đặc biệt.
“Đặc biệt, cuộc thi còn có sự tham gia có các nghệ nhân với tuổi đời rất trẻ, thuộc thế hệ 9X - thể hiện tâm huyết gắn bó, hóa giải lo lắng về làng nghề bị mai một dần theo thời gian. Sự hưởng ứng của nhiều nghệ nhân trẻ phản ánh về một niềm tin gìn giữ văn hóa làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ.
Lê Thúy