Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng rau quả trong 4 tháng đầu năm 2018 sang hầu hết các thị trường đều tăng. Trong đó, XK rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với kim ngạch 988,8 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Kém cạnh tranh hơn đối thủ
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), nhu cầu tiêu thụ rau quả các loại khoảng 115-130 triệu tấn/năm, trái cây khoảng 70-80 triệu tấn/năm và đang có xu hướng tăng.
XK rau quả của Việt Nam sang EU chiếm tỷ trọng 4-5% tổng XK cả nước, liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2017 với tốc độ bình quân đạt 10%/năm, tuy nhiên chỉ chiếm thị phần 0,4% tại thị trường này (đứng thứ 48 trong trong danh sách các quốc gia XK trái cây sang EU).
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá trái cây tươi Việt Nam đã XK sang EU nhưng lượng không đáng kể do kém cạnh tranh với các đối thủ khác có vị trí địa lý gần hơn như Brazil, Peru, Ecuador… và các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia về giá, chất lượng và thời gian giao hàng.
Hơn nữa, EU thường xuyên rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra đối với rau quả của Việt Nam do phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU, gây bất lợi đến tiến độ XK vào thị trường này, hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%.
Không chỉ EU, với Mỹ – thị trường XK rau quả lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc, Nhật Bản cũng vậy. Hiện, Việt Nam được phép XK 6 loại trái cây tươi là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa, xoài vào Mỹ, song lượng XK không đáng kể, chiếm thị phần nhỏ (3%).
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, nguyên nhân là các chi phí vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ liên quan đến XK trái cây tươi của Việt Nam cao nên kém cạnh tranh so với các nước có địa lý gần hơn. Do đó, định hướng XK thời gian tới nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sẵn (nước ép, đóng hộp), đặc biệt là sản phẩm hữu cơ.
Tương tự, ở thị trường Nhật Bản, trái cây Việt Nam chỉ chiếm thị phần 0,8% (đứng thứ 28). Trong khi đó, Nhật Bản có nhu cầu ngày càng gia tăng với trái cây nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải, măng cụt…
Bộ Công Thương đánh giá, trừ thanh long còn dư địa tăng trưởng tốt do đáp ứng tốt thị hiếu và chất lượng, các loại trái cây tươi khác đều kém cạnh tranh so với các nước về giá do cước phí vận chuyển hàng không và chi phí bảo quản lạnh của Việt Nam cao hơn (giá chuối cao hơn Philippines 8%; giá xoài cao hơn Mexico, Thái Lan 50%)…
Trong khi đó, ở thị trường Hàn Quốc, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi hiện có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã chính thức áp dụng hệ thống quản lý danh mục PLS để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong thực phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm nông sản là quả hạt vỏ cứng có dầu và trái cây nhiệt đới từ ngày 31/12/2016 và kể từ tháng 12/2018 sẽ áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm còn lại.
"Việc áp dụng hệ thống quản lý mới này đã làm phát sinh thêm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp (DN), có khả năng gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này", ông Hải đánh giá.
Kim ngạch XK liên tục tăng trưởng nhưng trái cây Việt chỉ chiếm thị phần khiêm tốn ở các thị trường chủ lực |
Hóa giải bằng cách nào?
Với thị trường Trung Quốc, rau quả chủ yếu được XK sang Quảng Tây và Vân Nam rồi chuyển đi tiêu thụ đến các địa phương khác. Thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần tăng cường quảng bá và tận dụng tốt hơn nữa hình thức giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ trực tiếp tại các thành phố lớn trong nội địa Trung Quốc.
Đồng thời, từ 1/5 vừa qua, Trung Quốc buộc tất cả lô hàng trái cây nhập khẩu vào nước này phải đóng gói, có đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Đây sẽ là rào cản trực tiếp đối với trái cây Việt.
Không bất ngờ trước các thách thức trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, chia sẻ: câu chuyện này đã tồn tại từ nhiều năm nay của ngành XK trái cây. Cước phí vận chuyển, đóng gói, chiếu xạ cao… đã đẩy giá thành trái cây của Việt Nam lên cao và khó cạnh tranh hơn với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Ông Tùng cho biết việc phụ thuộc chiếu xạ từ DN độc quyền đã làm gia tăng chi phí vận chuyển trái cây của DN, đặc biệt với những lô hàng đòi hỏi phải bảo quản, vận chuyển bằng xe giữ lạnh. Thay vì được chiếu xạ tại các công ty và đi thẳng từ kho ra cảng, trái cây XK của Việt Nam hiện vẫn phải mất thêm thời gian cho công đoạn vận chuyển qua DN chiếu xạ.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển đường hàng không cũng là gánh nặng cho DN XK rau quả, dẫn tới các chi phí vận chuyển, chiếu xạ, đóng gói tới vận chuyển máy bay sang thị trường nhập khẩu chiếm từ trên 50% giá thành.
Trong khi chưa thể cạnh tranh về giá, từ kinh nghiệm của mình, đại diện Vina T&T cho rằng đối với một số thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Nga…, DN phải biết nhu cầu thị trường trong thời điểm đó như thế nào mới tiến hành sản xuất. Mỗi thị trường có một đặc điểm kỹ thuật riêng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thừa nhận trái cây Việt hiện nay chủ yếu vẫn chỉ được XK dưới dạng thô, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 800.000 tấn/năm.
Nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu khiến công suất hiện chỉ đạt khoảng 50%. Ngoài ra, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là đồ hộp. Thêm vào đó, việc có nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe khiến nhiều loại rau quả Việt Nam chưa tiếp cận những thị trường khó tính.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ngành rau quả cần gia tăng chất lượng sản phẩm trái cây thông qua việc đẩy mạnh hoạt động chế biến; tăng cường ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao chất lượng trái cây.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) kiến nghị Nhà nước cần quản lý chặt việc nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế việc lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhất là với các chất độc hại mà các nước tiên tiến và khu vực đã cấm.
Đồng thời, cần tăng cường chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, HTX, DN vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản.
Lê Thúy
Ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Việc mở rộng thị trường luôn là chiến lược của các DN XK. Thế nhưng, việc này không phải dễ dàng bởi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường khó tính ngày càng cao. Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng, các DN phải tìm hiểu tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu hoặc thiên tai có khả năng xảy ra để tranh thủ thị trường. Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trên cơ sở rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế tiềm năng của từng vùng miền, mỗi địa phương, tiến tới xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Để giải quyết những rào cản mà các thị trường đưa ra, Cục Bảo vệ thực vật hiện đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với các loại cây gồm thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải; đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ XK. Ngoài ra, để gia tăng giá trị rau quả, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các DN tiếp tục xây dựng thêm nhiều nhà máy chế biến với công suất quy mô vùng và khu vực. |