Nếu nhìn vào quãng thời gian 9 năm đàm phán, hoàn thiện các thủ tục, mới thấy sự xuất hiện của lô thanh long đầu tiên của một doanh nghiệp (DN) ở huyện Châu Thành (Long An) có mặt tại chợ đầu mối hoa quả tại Sidney (Australia) ngày 25/9 có ý nghĩa khích lệ như thế nào. Trước đó một ngày, những trái thanh long Việt cũng đã bắt đầu ra sạp ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia.
Thanh long “số đỏ”
Không phải bỗng dưng mà một thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và bà Tổng Lãnh sự quán Australia tại Tp.HCM ngày 20/9 đã xuống tận nhà xưởng thanh long của DN nêu trên để chứng kiến lô hàng thanh long đầu tiên của Việt Nam xuất sang Australia.
Đây là lô hàng đầu tiên kể từ khi Việt Nam được Australia chính thức chấp nhận nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam vào tháng 1/2017. Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, quan trọng là Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long tươi vào Australia.
Theo thông tin từ TTXVN, hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Australia đang phối hợp với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán ở Sydney để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá trái thanh long Việt Nam tại thị trường này.
Có ý kiến cho rằng trái thanh long vào thị trường Australia như gặp “số đỏ”, là một tín hiệu đáng mừng. Song vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn nữa là khi đã vào được rồi, sẽ phải làm sao giữ và phát triển thị trường bền vững. Hơn nữa, Australia không phải là không trồng thanh long (trồng nhiều nhất ở bang Queensland), cho nên vấn đề cạnh tranh cũng cần được đặt ra.
Ts. Nguyễn Quốc Vọng (đại học RMIT tại Australia) cho biết dù Australia là một thị trường giàu có nhưng người tiêu dùng ở đây vẫn quan tâm đến giá cả “phải chăng”. Yêu cầu của thị trường Australia chính là giá, chất lượng sản phẩm, sạch, an toàn vệ sinh, hương vị và tươi.
Ngoài trái thanh long tươi, vừa qua, Việt Nam cũng đã xuất sang thị trường này vải thiều và xoài. Xoay quanh chuyện xuất khẩu vải thiều, nên nhắc lại câu chuyện năm 2015, ông Vọng có liên lạc với một DN để xuất khẩu vải Lục Ngạn (Bắc Giang) sang Australia. DN này thu mua vải từ nông dân theo tiêu chuẩn VietGAP với giá mức giá 20.000 đồng/kg trái vải tươi.
Sau khi thực hiện các công đoạn như di chuyển, chiếu xạ, bao bì rồi xuất sang Sidney (Australia), giá thành đội lên đến 7,5 USD/kg, trong đó logistics đã chiếm 50%. Do đó, trong ngày ra mắt đầu tiên tại thị trường Sidney với giá 19 USD/kg, vải Việt Nam đã không có một ai mua.
Theo ông Vọng, vì Australia vẫn trồng được vải và thường chín vào cuối năm, với giá bán 6 – 8 USD/kg, trong khi trái vải của Việt Nam được mùa nhưng có mức giá hơn gấp đôi nên không làm sao bán nổi. Vài ngày sau, giá trái vải Lục Ngạn tại Sidney phải tự động hạ xuống 7,5 USD/kg, lúc đó khách hàng mới bắt đầu mua nhưng khi ấy, độ tươi của trái vải cũng đã kém hơn.
Thanh long đang là một trong mười loại trái cây XK chủ lực của Việt Nam, với mức tăng trưởng hơn 50%
Tạo lợi thế cạnh tranh
Ngoài ra, chất lượng xuất khẩu các lô hàng trái cây tươi từ Việt Nam cũng còn nhiều điều để bàn. Chính bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Australia, cũng lưu ý cần rút kinh nghiệm từ các mùa vải thiều và xoài để giữ chân khách hàng.
Theo đó, những chuyến hàng đầu tiên có chất lượng rất tốt, bảo đảm, mang ra chợ bán được giá rất cao, nhưng sau đó giá bị giảm nhanh chóng do ở các lô hàng xuất khẩu tiếp theo, DN không đáp ứng được đủ các quy trình như các lô hàng đầu tiên.
Mặc dù vậy, việc xuất khẩu vào những thị trường khó tính vẫn là môi trường lý tưởng để trái cây Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn. Theo Ts. Nguyễn Hữu Đạt, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các DN xuất khẩu trái cây Việt cần cố gắng tăng lượng xuất khẩu tại thị trường khó tính, chủ động liên kết thực hiện các chương trình quảng bá. Đồng thời DN cũng nên thâm nhập từng bước vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu để tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 2,35 tỷ USD, tăng mạnh 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trừ thị trường lớn là Trung Quốc, nếu xét ở những thị trường cao cấp nhưng khó tính, khi nhìn vào thống kê có thể thấy Australia chưa phải là thị trường xuất khẩu trái cây Việt có kim ngạch cao so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Riêng mặt hàng trái thanh long, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đang là một trong mười loại trái cây xuất khẩu chủ lực, với mức tăng trưởng hơn 50% trong 7 tháng đầu năm nay.
Thanh long cũng là mặt hàng trái cây được bán nhiều nhất sang thị trường khó tính. Kết quả tăng trưởng tốt của xuất khẩu trái thanh long có được là nhờ quy trình trồng tốt, tập trung với diện tích lớn, rải vụ, sản phẩm quanh năm, có quy trình thu hái, bảo quản sau thu hoạch tốt.
Vì vậy, trái thanh long tươi, có hương vị thơm ngon, xuất khẩu đạt cả chất lượng ổn định lẫn độ an toàn. Chưa kể, loại trái cây này có tính cạnh tranh cao khi giá cả ổn định, được đóng gói chuyên nghiệp, vận chuyển dễ dàng. Nhưng với diện tích thanh long phát triển ồ ạt trong thời gian qua, cung đã vượt cầu, nên cần có sự quan tâm nhiều hơn từ cơ quan quản lý.
Khi nhìn vào câu chuyện xuất khẩu thanh long tươi sang Australia với nhiều cửa ải gắt gao, thiết nghĩ nếu muốn “mở khóa” các thị trường xuất khẩu khó tính, nên có những chính sách mời gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư nhà máy vào vùng nguyên liệu cây thanh long; cần có những chính sách hút đầu tư các công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, đóng gói, chế biến, bảo quản…
Hơn nữa, cũng nên có quy định DN xuất khẩu thanh long phải có hợp đồng và xây dựng vùng nguyên liệu trồng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Thế Vinh