Từ ngày 1/4/2018, hoa quả Việt Nam khi xuất khẩu (XK) sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) XK trái cây Việt Nam phải có bước chuẩn bị tốt và thận trọng hơn.
Đội chi phí, khó cạnh tranh
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), kể từ ngày 1/4/2018, các DN Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam khi làm thủ tục xin cấp “Giấy phép kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu” cần cung cấp thêm thông tin, hình ảnh để tiện truy xuất đối với nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông sản nhập khẩu.
Theo quy định này của phía cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), các thông tin cần phải có gồm: Tên sản phẩm trái cây, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra khi cần thiết.
Yêu cầu được phía cơ quan kiểm dịch và quản lý chất lượng nông sản tỉnh Quảng Tây đưa ra đối với các DN của tỉnh này, tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc các DN XK rau quả của Việt Nam sang Quảng Tây phải cung cấp thông tin truy xuất, hồ sơ truy xuất cho đối tác là các DN nhập khẩu bên phía Trung Quốc.
Trước yêu cầu này, nhiều đơn vị XK trái cây Việt Nam có nguy cơ rơi vào khó khăn. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trái cây XK sang Trung Quốc phải thu gom từ nhiều vườn khác nhau, thậm chí nhiều tỉnh. Vì vậy, quy định phải có truy xuất nguồn gốc áp dụng ngay từ 1/4 là quá gấp. Giá trái cây có thể sẽ giảm mạnh. Nhiều DN rốt ráo chuẩn bị nhưng lo lắng vì không kịp.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, quy định mới này của Trung Quốc có thể sẽ gây khó khăn cho các đơn vị XK trái cây nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở thường có thói quen mua hàng dễ dãi, không có nguồn gốc xuất xứ và thông qua các thương lái rồi đóng hàng xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
“Việc phải truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sẽ khiến chi phí sản xuất của DN tăng lên, đẩy giá hàng XK tăng theo. Khi đó, trái cây Việt sẽ khó cạnh tranh với trái cây Thái Lan, Myanmar… vốn đang được XK mạnh sang thị trường Trung Quốc”, ông Tùng cho biết.
Trước những lo lắng của cộng đồng DN, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cho rằng đây là biện pháp giúp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra, được nhiều quốc gia áp dụng và hiện cũng đang được đưa vào áp dụng ở Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Công Thương, biện pháp này bên cạnh việc giúp minh bạch hóa thông tin, bảo vệ người tiêu dùng, còn có tác dụng đưa thương mại vùng biên từng bước đi vào quy củ.
Căn cứ chủ trương chung của Việt Nam về việc từng bước “chính ngạch hóa” thương mại biên giới, xét các nội dung mà tỉnh Quảng Tây yêu cầu cung cấp là không quá khó đối với các DN XK làm ăn nghiêm túc.
Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN XK của Việt Nam cần phải phối hợp với các DN nhập khẩu ở Quảng Tây để cung cấp các thông tin đó, đảm bảo các mặt hàng được truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Việc này có thể làm tăng chi phí của DN, tuy nhiên là điều nên làm, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới kinh tế hội nhập.
Muốn không bị Trung Quốc làm khó, chỉ có cách duy nhất là doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất và kinh doanh
Thay đổi cách làm ăn
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), XK rau quả năm 2017 đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD, trong đó 70-75% lượng hàng được xuất sang Trung Quốc. Quảng Tây là một trong hai tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, cũng là thị trường chính của hoa quả Việt Nam. Quảng Tây cũng được coi là điểm trung chuyển cho hoa quả XK từ Việt Nam sang các tỉnh, thành phố Trung Quốc.
Thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi nông sản Việt Nam muốn XK sang thị trường này buộc phải thay đổi.
Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, trái cây nhập khẩu cơ bản được hưởng thuế suất 0%, nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý hai nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của Trung Quốc. Ngoài ra, mặt hàng này còn bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc, có thể coi là rào cản của họ để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, cho biết sau quy định về tem nhãn, kiểm dịch thực vật, các đối tượng dịch hại, Trung Quốc sẽ kiểm tra dư lượng hoá chất. Cụ thể, sẽ đưa ra danh mục trên 3.000 chất, trong đó có 1.200 chất không được phép có mặt trong nông sản.
Vì vậy, ông Huy khuyến nghị các DN phải hiểu thị trường thì mới có thể tận dụng và phát triển được các lợi thế như gần đường biên mậu, dễ dãi hơn trong các tiêu chuẩn về chất lượng… Bằng chứng là việc Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt các vấn đề về chất lượng cũng như tăng dần các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, từng cho biết kim ngạch XK rau quả năm 2012 mới đạt 800 triệu USD, đến nay là ngành có tốc độ bứt phá mạnh mẽ, bền vững. Tương lai ngành còn có rất nhiều dư địa để phát triển do người tiêu dùng có xu hướng giảm ăn tinh bột, đạm và chuyển sang tiêu thụ trái cây.
Tuy nhiên, ông Doanh thừa nhận, Trung Quốc là thị trường rộng lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết. Do đó, kế hoạch sắp tới của ngành là tổ chức thị trường với định hướng phân phối theo chuỗi để sản phẩm mang nhãn mác của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng để XK sang Trung Quốc bền vững cần quy hoạch vùng trồng trái cây, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản… tránh thiệt hại kinh tế, gây tổn thất cho DN.
Các cơ quan chức năng đàm phán với Trung Quốc trong việc thừa nhận kết quả kiểm tra của nhau để giảm thủ tục hành chính, thời gian thông quan, tạo điều kiện cho nông sản XK.
Lê Thúy
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi Các DN nên có cái nhìn rộng và xa hơn câu chuyện Quảng Tây yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Đó là quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới về an toàn thực phẩm. Các DN nên tôn trọng quyền này, đừng cho rằng thị trường này, thị trường kia dễ tính để bỏ qua những chuẩn mực quốc tế về an toàn trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Chỉ khi DN tôn trọng tối đa người tiêu dùng, coi sự an toàn của họ như sự an toàn của mình thì sản xuất và XK nông sản mới phát triển bền vững được. Ông Võ Quan Huy - Giám đốc công ty TNHH Huy Long An Trung Quốc cần trái cây có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và chấp nhận giá cao. Ở thị trường này, các tham tán thương mại tại Trung Quốc cần thường xuyên cung cấp thông tin mùa vụ giúp nông dân gieo trồng né vụ thu hoạch của Trung Quốc để không gặp cảnh đổ bỏ tại vườn hay biên giới như những năm qua. Ts. Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
Dân số Trung Quốc ngày càng đông nên nhu cầu về nhập khẩu lương thực, thực phẩm tăng cao. Một số sản phẩm trái cây Việt Nam được xem như là hàng cao cấp ở Trung Quốc do chất lượng ngon, giá tốt như chuối, vải thiều, thanh long, mít…, hay gần đây là chanh dây. Do đó, DN và cơ quan chức năng cần tìm hiểu kỹ thị trường và tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm tránh các trường hợp bị trả hàng về hoặc bị cấm XK. |