Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, cho biết đang rất lo lắng khi gần 1 tuần nay, xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị gián đoạn vì Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ làm việc tại Việt Nam hiện không có kiểm dịch viên để kiểm tra hàng trước khi chiếu xạ. Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới Vina T&T cũng các nhiều doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp 'đứng ngồi không yên'
Với Vina T&T, ông Tùng cho biết hiện đang có 2 container nhãn khoảng 36 tấn, 1 container xoài 15 tấn, thanh long khoảng 16-17 tấn phải lưu trữ lại kho bảo quản của doanh nghiệp.
Xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị gián đoạn không có người kiểm dịch thực vật |
"Giá trị của lô hàng tôi chưa thể ước tính nhưng chắc chắn là rất lớn, trung bình một kg nhãn giá 35.000 đồng, thanh long giá 17.000 - 18.000 đồng/kg, xoài 35.000 đồng/kg. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ được khó khăn trên sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp", ông Tùng nói.
Chưa kể, với số hàng trên, Vina T&T còn có kho để bảo quản nhưng nếu tình hình tiếp diễn sang tuần tới thì doanh nghiệp không còn nơi bảo quản", ông Tùng nói và mong vấn đề sớm được giải quyết.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang rơi vào tình cảnh trên.
Ông Vương Hiếu, Giám đốc công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát, cho biết câu chuyện bắt đầu từ tháng 3 khi dịch COVID-19 bùng phát giai đoạn 1 ở Việt Nam và ở Mỹ cũng bắt đầu tăng cao số ca nhiễm, nên Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ quay về nước, trong đó có nhân viên của APHIS.
Sau khi nhân viên kiểm dịch của Mỹ quay về nước, chuyện kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ được xử lý thông qua nhân viên là người Việt Nam của văn phòng APHIS tại Việt Nam (trụ sở ở Tp.Hà Nội) để nhận uỷ quyền vào TP.HCM thực hiện kiểm dịch tạm thời cho trái cây xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, hiện các nhân viên nhận ủy quyền thực hiện kiểm dịch tạm thời đã bận việc chính của họ nên không thể thực hiện tiếp việc kiểm dịch, dẫn đến quá trình xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị gián đoạn.
Được biết, công việc quan trọng của nhân viên kiểm dịch là trước khi đưa trái cây vào chiếu xạ (theo quy định, chiếu xạ là khâu bắt buộc phải có đối với việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ) sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng của lô hàng để đưa vào phòng kiểm dịch, cắt ra rồi quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật hay không.
Trường hợp, sản phẩm không có vi sinh vật, nghĩa là đạt yêu cầu thì lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Ngược lại nếu không đạt, lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được.
Bộ NN&PTNT đang gỡ khó
Về khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết, ngay từ tháng 3 năm nay, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả các nước thực hiện chính sách bảo hộ công dân, đưa chuyên gia về nước. Đối với thị trường Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với APHIS, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Vì vậy, ngay sau khi nhân viên bản địa về nước, Đại sứ quán Mỹ cử nhân viên là người Việt của APHIS thực hiện công việc kiểm dịch trái cây trong thời gian tạm thời không có nhân viên chuyên trách. "Tuy nhiên, dịch diễn ra phức tạp, đến thời điểm này giải pháp trên chỉ tạm thời, không thể kéo dài", ông Hiếu cho biết.
Để giải quyết khó khăn trên, Cục Bảo vệ thực vật đang đề nghị Đại sứ quán Mỹ hỗ trợ tiếp tục cử cán bộ của APHIS đến cơ sở chiếu xạ để làm việc.
Đồng thời, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật đang liên hệ đưa chuyên gia Mỹ đến Việt Nam làm việc. Hiện phía Mỹ đã cử chuyên gia, làm xong thủ tục visa, hộ chiếu để sang Việt Nam nhưng do thời điểm này các chuyến bay thương mại chưa có. "Vì vậy, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan liên quan để trong thời gian sớm nhất có thể đưa chuyên gia về Việt Nam", ông Hiếu cho biết.
Với các thị trường quan trọng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã làm việc với các nước để làm công tác uỷ quyền cho phía Cục làm công tác kiểm dịch thực vật tại các cơ sở xử lý để tránh gián đoạn thương mại, đến nay mọi việc diễn ra bình thường.
Đồng thời, công tác kiểm dịch xuất khẩu nông sản được thực hiện tại các cửa khẩu biên giới vẫn được triển khai để đảm bảo thông quan hàng hoá. Bên cạnh đó, lưu ý đảm bảo sức khoẻ con người, đồng thời tập trung tạo điều kiện thông thoáng nhất cho hàng hóa thông quan nhanh đảm bảo yêu cầu nước xuất khẩu.
Lê Thúy