Trong tuần này, 9 tấn nhãn tươi Hải Dương sẽ lên đường để đến Australia tham gia chương trình xúc tiến với thông điệp “Nhãn Việt Nam mình!” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhãn Việt Nam đang vào mùa chính vụ. Còn tuần vừa qua, đã có 7 tấn rưỡi nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào bang Nam Australia.
Lạc quan kỳ vọng
Là một loại quả tươi mới được nhập khẩu vào Australia từ năm ngoái nên phía Thương vụ Việt Nam tại Australia rất chú trọng mặt hàng này và tìm nhiều cách để hỗ trợ, mở rộng thị trường của quả nhãn tươi Việt Nam tại Australia trong thời gian tới.
Dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng XK trái cây vẫn được kỳ vọng trở lại “đường băng tăng trưởng”. |
Ở một diễn biến khác, trong tháng 9/2020 tới đây, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) trái cây của Việt Nam dự kiến sẽ tham dự Hội chợ chuyên ngành trái cây (Fruit Expo) quốc tế Quảng Châu 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường XK chính, đang chiếm 60% thị phần XK trái cây Việt, Quảng Đông là thị trường nhập khẩu cũng như trung chuyển nhập khẩu hoa quả lớn của Việt Nam vào Trung Quốc.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất cung ứng hoa quả Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội thông qua hội chợ này để quảng bá sản phẩm hoa quả và tìm kiếm đối tác nhằm cải thiện XK trái cây chính ngạch sau những tác động từ dịch Covid-19.
Còn với thị trường EU, thông qua việc thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) từ đầu tháng 8/2020 thì thời gian qua ngành hàng trái cây Việt đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng XK vào thị trường này. Nhất là việc DN tham gia vào các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế ở EU như: Bio Fach (Đức); Anuga (Đức), Sial (Pháp)...
Trái cây được cho là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam để XK vào EU từ việc tận dụng EVFTA. Đứng ở góc độ tổ trưởng của một tổ hợp tác thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), ông Đoàn Trung Ngọc cho biết phía tổ hợp tác đã có đơn hàng cung cấp cho DN XK trái thanh long tươi vào thị trường EU với giá bán cao hơn hẳn so với xuất đi Trung Quốc và các thị trường khác.
Ông Ngọc cũng thể hiện sự quyết tâm từ phía những người nông dân muốn đưa trái thanh long của mình đi vào những thị trường cao cấp hơn thì bắt buộc phải tham gia chuỗi liên kết, sản xuất theo chuẩn an toàn, đảm bảo cả về chất lượng lẫn sản lượng.
Còn theo nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với tỷ trọng hiện còn ở mức rất nhỏ thì thị trường EU có dư địa tăng trưởng rất lớn đối với rau quả Việt Nam. Với EVFTA, cơ hội trước mắt là rất lớn. Việc còn lại là hành động từ phía nông dân và DN. Chắc chắn rau quả Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới nếu tổ chức sản xuất tốt để tạo ra được sản phẩm đạt chuẩn.
Chờ thêm các tháng cuối năm
Như lưu ý của ông Nguyên, EU lại là thị trường rất khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng DN mà cả ngành rau quả Việt Nam.
“Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc. Một vấn đề nữa là khi sản xuất “sạch” theo các quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, tỷ lệ rau quả không đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức để xuất tươi sẽ tăng lên”, vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả nói.
Với việc chuyển hướng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nhằm cải thiện tình trạng sụt giảm kim ngạch XK, ông Nguyên nhấn mạnh việc chuyển hướng cần chuẩn bị tốt hơn nữa vì “nó như một chiếc xe đang chạy băng băng trên đường thì không thể bẻ cua gấp mà chỉ có thể bẻ cua từ từ”.
Những dữ liệu gần đây cho thấy do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên XK trái cây vào Trung Quốc đang dần hồi phục trong bối cảnh sụt giảm mạnh nửa đầu năm nay. Trong khi đó, với những thị trường khác thì đang có tín hiệu tích cực trở lại.
Chẳng hạn như ở khu vực ASEAN, XK trái cây Việt sang thị trường Thái Lan tăng trưởng rất cao, tới hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoặc như XK trái cây tới thị trường Hàn Quốc nửa đầu năm nay đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2% so cùng kỳ năm 2019. Các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Nhật Bản... cũng được ghi nhận là tăng trưởng tốt.
Điều này cũng cần ghi nhận việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây Việt đang cải thiện đã giúp cho việc XK vào các thị trường khó tính được “trơn tru” hơn.
Số liệu thống kê từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy đến nay đã có 1.749 vùng trồng trọt ở trong nước được cấp mã số XK và có 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi XK đi các thị trường.
Và dù đối mặt với những thách thức lớn như Covid-19, thiên tai, dịch bệnh…, thì theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt trong nửa đầu năm nay đã tăng 0,97%.
Mặc dù vậy, còn đó những dự báo là kim ngạch XK trái cây trong năm 2020 sẽ sụt giảm đến 20% so với năm trước. Liệu các tháng còn lại trong năm nay có thể nỗ lực để rút ngắn đi con số dự báo này hay không thì vẫn là dấu hỏi ở phía trước khi mà tác động của dịch Covid-19 còn kéo dài.
Thế Vinh