Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và thực tế thực hiện phương án 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ - tạm trú tập trung trong doanh nghiệp - DN) ở khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.
DN bị sốc khi đang làm tốt lại bị dừng
Theo đó, trong thời gian từ ngày 29/7/2021 - 4/8/2021, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu DN trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của DN. Có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm, tầm soát bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho toàn thể công nhân và người quản lý trước khi tạm dừng hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng để thực hiện theo phương án "3 tại chỗ". |
Tuy nhiên, quyết định này đang khiến một số DN cảm thấy khá bất ngờ, thiếu thuyết phục. Theo đó, công ty TNHH MNS FEED Tiền Giang đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh, các bộ, ngành để xin được tiếp tục hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi theo phương án "3 tại chỗ".
Ông Phạm Trung Lâm, Chủ tịch Công ty MNS FEED Tiền Giang, cho biết việc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến khi có thông báo mới không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, công việc mưu sinh của người lao động đang làm việc tại nhà máy, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân, trang trại. Nhất là khi họ đang thực hiện hoạt động chăn nuôi nhằm cung ứng nhu yếu phẩm cho xã hội trong bối cảnh hết sức đặc biệt và cấp thiết như hiện nay. Đó là còn chưa kể đến những rủi ro và thiệt hại mà DN phải gánh chịu trong việc tiếp nhận, lưu kho và bảo quản nguồn nguyên liệu đã đặt hàng cho kế hoạch sản xuất.
Tương tự, công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cũng vừa có đơn "kêu cứu" tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để xin được tiếp tục sản xuất đối với DN thực hành tốt sản xuất "3 tại chỗ". Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang khẳng định, chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, DN đã thực hành sản xuất 3 tại chỗ. Tuy nhiên, ngày 29/7/2021, công ty này nhận được Công văn 4093/UBND-KT của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động đối với các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ".
"Đây thực sự là cú sốc lớn cho DN chấp hành tốt chủ trương của UBND tỉnh như DN chúng tôi. Chúng tôi đã chi ra hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất "3 tại chỗ". Ngoài ra, còn dẫn đến các thiệt hại như gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tra tăng trưởng nhanh. Việc sản xuất "3 tại chỗ" chỉ đạt 50% công suất, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu", bà Khanh cho biết.
Vì vậy, DN này cho rằng, nếu ngưng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, cá nuôi giá thành cao và vượt size không bán được, lãi ngân hàng, nợ quá hạn... "Chúng tôi phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị, nguy cơ mất thị trường và phá sản... DN không sao gánh nổi", bà Khanh nói.
Ở chiều ngược lại, mặc dù đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, nhưng một số nhà máy sản xuất đã xuất hiện những trường hợp F0. Đặc biệt có DN phải "kêu cứu" vì không thể tiếp tục duy trì mô hình này.
Đơn cử, công ty CP Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương) đã có đơn đề nghị khẩn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương giải quyết cho Công ty liên quan đến việc DN có ca dương tính do COVID-19. Cụ thể, đối với F0 cơ quan y tế đưa đi điều trị, trường hợp F1 cho về nhà tự cách ly, theo dõi và điều trị tại địa phương.
Theo DN này giải thích, do số lượng lao động làm việc theo tiêu chí "3 tại chỗ" của DN là 288 công nhân, trong đó có 248 ca dương tính (F0), con số này là quá lớn, DN đã kiệt sức không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng chống dịch được nữa.
Tiến thoái lưỡng nan
Trên thực tế, khi áp dụng "3 tại chỗ", dù ban đầu các DN có xét nghiệm rất kỹ thì cũng không tránh khỏi việc có thể xuất hiện các ca nhiễm. Nhưng điều họ hoang mang, lo lắng không phải là việc duy trì sản xuất như thế nào mà là những áp lực dư luận đè lên DN. Do đó, các DN kiến nghị các ngành chức năng, dư luận hãy giảm bớt gánh nặng pháp lý, gánh nặng trách nhiệm cho DN, đồng thời hướng dẫn kịp thời các phương án xử lý bởi nhiều khi DN cũng lúng túng.
Theo phản ánh của các DN, việc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" khá tốn kém và nhiều khó khăn như: Nhiều công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung; DN phải xét nghiệm COVID-19 cho công nhân; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất; lo có đủ nguyên liệu để sản xuất không vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy.
Nhưng cũng có nhiều DN quyết định, vẫn duy trì sản xuất vì nếu nhà máy đóng cửa, nghỉ dịch thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy. Ông Phạm Ngọc Phước, Giám đốc An Khang Furniture tâm sự: "Chúng tôi làm "3 tại chỗ" không phải vì lợi ích của DN, vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều nhưng vẫn chọn phương án này để đảm bảo duy trì sản xuất, công nhân có thu nhập trong mùa dịch”.
Theo đó, việc yêu cầu DN đóng cửa khi họ vẫn cảm thấy thực hiện được 3 tại chỗ có là phi thị trường? Trong khi đó, thay vì giải pháp bất khả kháng là đóng cửa thì các địa phương có thể hỗ trợ DN đang làm tốt được duy trì sản xuất. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, các quyết định này đều không dựa trên chi phí hay lợi nhuận của DN mà còn liên quan tới đời sống cán bộ công nhân viên - đây là yếu tố cốt lõi.
Thực tế, trái ngược với tình cảnh ở phía Nam, các DN sản xuất ở phía Bắc gần như phục hồi và duy trì được nhờ “3 tại chỗ”. Đơn cử như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… đều có hàng trăm nghìn công nhân duy trì được việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp đang tăng vọt, kinh tế dần phục hồi.
Ngay sau khi Bắc Ninh phát hiện một loạt ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng hồi tháng 5, tỉnh này đã nhanh chóng tìm cách bảo vệ dịch không lây lan vào khu công nghiệp. Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, nói rằng đây là mấu chốt để duy trì sản xuất, là thời điểm “quyết định” để áp dụng “3 tại chỗ”.
Để giúp DN thực hiện 3 tại chỗ, tỉnh Bắc Ninh đã ra quân hỗ trợ một số DN chuyển đổi công năng sử dụng các công trình trong nội bộ nhà máy. Ví dụ nhà máy nào cũng có khu nhà ăn, khu văn phòng, nhà xưởng, nhà kho… Khu ăn uống sẽ được làm dã chiến bằng lều bạt ở ngoài sân, nhà ăn trước kia được tận dụng nhường chỗ để làm nơi ở cho công nhân.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ một kinh nghiệm, đó là tỉnh này đã lập hàng chục “trạm xá dã chiến” ngay bên trong nhà máy của các DN lớn như Honda, Toyota, Piaggio... Trạm xá này giúp đỡ DN đảm bảo an toàn trong sản xuất, sẵn sàng hỗ trợ xét nghiệm, sơ cứu, xử lý tình huống y tế nếu có. Với các nhà máy nhỏ hơn, sẽ lập chung “trạm xá dã chiến” này trong khu công nghiệp.
Mặt khác, các DN đề xuất cho người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây sẽ là giải pháp căn cơ để duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |