Đang là thời điểm chính vụ thu hoạch lúa Hè Thu, song ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, khâu thu mua lúa gặp rất nhiều khó khăn vì dịch COVID-19. Phương tiện vận chuyển của thương lái khó di chuyển giữa các tỉnh, các tổ thu hoạch lúa không thể ra đồng, chi phí xét nghiệm COVID-19 rất lớn.
Doanh nghiệp thiếu vốn
Đáng chú ý, ông Thư phản ánh, trong khi một số doanh nghiệp (DN) tư nhân đã rất nỗ lực để hỗ trợ thu mua lúa cho bà con nông dân thì các "ông lớn" như Vinafood 1, Vinafood 2 lại chưa thể hiện rõ vai trò.
Nhu cầu xuất khẩu lớn nhưng những khó khăn ở khâu thu mua, vận chuyển, sản xuất lại đang làm khó ngành lúa gạo. |
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cam kết DN sẽ cùng đồng hành với bà con nông dân không để giá lúa rớt; không tăng giá vật tư nông nghiệp trong năm 2021; tổ hợp tác, HTX liên kết với DN để sản xuất...
Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ mong muốn có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng ngoài hạn mức cho phép để thu mua lúa cho nông dân. "Trước tình trạng đầu ra của ngành lúa gạo gặp khó khăn, chúng ta cần thu mua lúa vụ Hè Thu để tạm trữ phục vụ xuất khẩu (XK), song DN cũng cần có tiền để đặt cọc thu mua lúa cho bà con nông dân. Vì vậy, DN rất cần ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho khoản tiền thu mua lúa này", ông Thuận nói.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) khẳng định, đối với DN XK gạo, duy trì nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn. Thực tế, Vinafood 1 đã thu mua một khối lượng lúa rất lớn của bà con trong vụ Đông Xuân. Trước phản ánh của lãnh đạo tỉnh An Giang, đại diện DN này giải thích: "Không phải DN không muốn đẩy mạnh thu mua lúa mà hiện nay chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ", công suất của nhà máy bị cắt giảm, có nhà máy phải ngừng hoạt động".
Vì vậy, lãnh đạo Vinafood 1 cho rằng, nếu nhà máy dừng hoạt động, trong khi đơn hàng đã ký thì DN sẽ rất khó khăn. Do vậy, cần có giải pháp thiết thực để phục hồi chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho hay, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng XK của DN. Intimex ký hợp đồng giao tới tháng 8 là 100.000 tấn gạo nhưng tháng 7 mới đi được 30.000 tấn, tháng này không biết có đi nổi được 50% theo kế hoạch không. Nếu hợp đồng không hoàn thành được, uy tín DN sẽ mất, chưa kể còn bị phạt.
Tạo điều kiện cho DN, thương lái thu mua
Lãnh đạo Intimex cho biết, đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN, trong đó DN lớn chỉ duy trì 50% tiến độ sản xuất, không dám ký thêm hợp đồng XK. Theo đó, ông Nam cho rằng, cần phải đảm bảo khâu lưu thông, vận chuyển của ngành hàng lúa gạo, thống nhất quy định của các địa phương. Chứ hàng hóa còn tồn trong kho thì làm sao DN có tiền để thu mua tạm trữ lúa gạo?
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới ngành hàng lúa gạo, nông dân - thương lái - DN. Đa số DN đóng cửa, thì thương lái bán cho ai, không có thương lái thì nông dân cũng tắc đầu ra. Hiện nay, đa số nông dân sản xuất tự do, không liên kết với DN.
"Nếu muốn mua tạm trữ, DN phải có vốn, điều này cần sự hỗ trợ của các ngân hàng. Việc thu mua lúa Hè Thu còn liên quan tới vụ Đông Xuân sắp tới, nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng tới XK gạo của năm 2022", ông Bình nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần có giải pháp hỗ trợ cho DN, HTX thu mua lúa gạo có thể vay được vốn để tích trữ, lấy lúa gạo trong kho làm tài sản thế chấp.
Về vướng mắc của DN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, chính sách ưu tiên vốn tín dụng cho ngành hàng lúa gạo đã có. Thời gian qua, hạn mức tín dụng chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 17% chủ yếu để thu mua lúa gạo, các ngân hàng thương mại cũng khẳng định nguồn vốn không thiếu nhưng cần có cơ chế để các ngân hàng sẵn sàng cho vay.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, lãi đến hạn của các DN lúa gạo do tác động của dịch chưa trả được", ông Tú thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để cắt đứt đà giảm của giá lúa gạo vụ Hè Thu 2021, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tạo điều kiện cho DN, thương lái đi thu mua, vận chuyển lúa; tích cực hỗ trợ cho các DN đảm bảo "3 tại chỗ"; ngân hàng hỗ trợ lãi suất để DN tăng cường mua lúa cho dân.
Bộ trưởng NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương thành lập các tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, bởi chỉ cần "vấp ngã ở một cung đường" thì sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |