Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tháng 4/2022, Tập đoàn đã khai thác 4,33 triệu tấn than, tăng gần 1 triệu tấn so với bình quân sản lượng kế hoạch năm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp sản lượng than khai thác của Tập đoàn đạt trên 4 triệu tấn; than tiêu thụ đạt trên 4,5 triệu tấn.
Việc cung cấp than cho sản xuất điện sụt giảm sẽ ảnh hưởng tới công suất của các nhà máy nhiệt điện. |
Kết thúc 4 tháng đầu năm, sản lượng than nguyên khai toàn Tập đoàn đạt 14,93 triệu tấn, bằng 38% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ; than tiêu thụ 15,68 triệu tấn, đạt 36% kế hoạch năm và tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, than cấp cho điện là 11,7 triệu tấn, đạt 33% kế hoạch năm, tăng 2% và tăng 300 ngàn tấn so với cùng kỳ.
Trước nhu cầu than tiêu thụ trong nước vẫn đang ở mức rất cao, nhất là than cho sản xuất điện trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải nhấn mạnh cần tăng cường công tác pha trộn, chế biến để tăng sản lượng than cung cấp cho thị trường.
Tập đoàn TKV cho biết sẽ tập trung cao độ cho sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tháng 5/2022 như: Than nguyên khai sản xuất 4 triệu tấn; than tiêu thụ 4,99 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 4,7 triệu tấn, không được để đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào sản xuất.
Trước đó, hồi cuối tháng 3 vừa qua, tình hình cung ứng than cho sản xuất điện căng thẳng, khi đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.
Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể: các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.
Sau đó, TKV đã cam kết với EVN về việc nỗ lực phấn đấu cấp bù lượng than chưa giao trong quý I theo khối lượng hợp đồng (tương ứng khoảng 800.000 tấn) trong các quý còn lại của năm 2022. Dự kiến, TKV sẽ cấp bù khoảng 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong quý II, tổng khối lượng than cấp trong quý II là 5,1 triệu tấn, trong đó tháng 4 sẽ đảm bảo khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn.
Đối với các tháng còn lại trong năm 2022, TKV cam kết sẽ cấp đủ sản lượng và EVN cam kết nhận đủ sản lượng được giao theo hợp đồng đã ký. Trong trường hợp có thay đổi về nhu cầu hoặc khả năng cung cấp, hai bên sẽ trao đổi và thống nhất.
Trong hệ thống điện Việt Nam hiện nay nhiệt điện than chiếm khoảng hơn 40% sản lượng điện hệ thống, EVN sở hữu hơn 13.000MW nhiệt điện than. Như vậy việc cung cấp than cho điện là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Mới đây, TKV cũng kiến nghị đối với các khoáng sản quan trọng mà tập đoàn được Chính phủ giao cho khai thác hoặc tổ chức thăm dò như than, bauxit, titan…, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch như Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015…. Tuy nhiên, các quy hoạch nêu trên đến nay đã hết kỳ quy hoạch.
Để có cơ sở pháp lý cho TKV trong việc thực hiện lập, triển khai dự án thăm dò khoáng sản, dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản, TKV đề nghị các bộ ngành, địa phương xem xét đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh Quy hoạch (đặc biệt là Quy hoạch than và Quy hoạch các loại khoáng sản quan trọng như bauxit, titan, sắt).
Thy Lê