Thống kê hiện nay, tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng (tất cả nhà đầu tư được mua) chỉ chiếm khoảng 8%, trong khi 92% còn lại là dành cho nhà đầu riêng lẻ (nhà đầu tư chuyên nghiệp). Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đơn vị phát hành “lách” quy định để phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân.
Hiểu rõ "hàng" mới mua
Trong những năm qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành kênh dẫn vốn ngày càng quan trọng với doanh nghiệp và cả nền kinh tế, chiếm gần 23% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh mà không quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Quý I/2022, lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị phát hành, chiếm hơn 95,4%. |
Có thể thấy, “chợ” trái phiếu xuất hiện cả trên Facebook, Zalo, TikTok..., trong đó nhiều "mặt hàng" kém chất lượng, tiềm ẩn rủi ro cho người mua.
Theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, quý I/2022, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị phát hành, chiếm hơn 95,4%.
Không loại trừ nhiều nhà đầu tư cá nhân thông qua các đơn vị chuyên nghiệp để mua trái phiếu. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư riêng lẻ nào cũng đủ kiến thức để thẩm định thông tin của đơn vị phát hành và tính an toàn của trái phiếu.
“Nhiều nhà đầu tư đã lách luật để được chứng nhận thành nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, trong khi bản thân lại không am hiểu về tài chính, không đủ tiền thuê cá nhân/tổ chức tài chính thẩm định trái phiếu giúp mình, không chỉ dẫn nhiều người đến con đường rủi ro mà còn vi phạm pháp luật. Chưa kể, tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chưa cao”, một chuyên gia cho hay.
Theo các chuyên gia, trong lúc chờ cơ quan quản lý sửa đổi quy định, có biện pháp mạnh hơn để kiểm soát chất lượng hàng hóa của người bán lẫn người mua để thị trường trái phiếu minh bạch, mang lại lợi nhuận cho trái chủ, thì nhà đầu tư hiểu từng loại trái phiếu để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc nhà đầu tư muốn tìm kiếm thông tin của đơn vị phát hành trái phiếu rất khó khăn. Ông Vũ Duy Khánh, Phó Tổng giám đốc công ty CP chứng khoán SMART INVEST cho biết, TPDN là mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp, trong quý I/2022 có 17.000 tỷ đồng trái phiếu được giao dịch. Tuy nhiên, việc thẩm định các loại trái phiếu có độ an toàn cao cho các nhà đầu tư riêng lẻ rất khó thực hiện bởi thiếu nhiều thông tin. Vì vậy, cần một hành lang pháp lý chặt chẽ và nhanh chóng đưa các công ty xếp hạng tín nhiệm, có chất lượng đi vào hoạt động.
Đồng thời, ông Khánh cho rằng, cần có một công cụ lãi suất để tham chiếu giữa các lãi suất, phải có bộ chỉ số chuẩn đo được biến động rủi ro của từng loại trái phiếu để nhà đầu tư cân nhắc trước khi “xuống tiền”.
Tại phiên họp cho ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận thực tế phát sinh những vi phạm trong phát hành TPDN riêng lẻ: "Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nề nếp".
Khó thẩm định trái phiếu riêng lẻ?
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp đã tiếp cận được với thông lệ chung của thị trường. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân, luật quy định cấm nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, vẫn có những vụ việc cố tình vi phạm như thời gian vừa qua.
“Khi nhà đầu tư không chuyên biến thành nhà đầu tư chuyên nghiệp và các đơn vị bán trái phiếu sẵn sàng đứng ra thay nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát vấn đề này”, ông Dương chia sẻ.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng cho rằng: "Những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định, đảm bảo việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường".
Đồng thời, cần sửa đổi và nâng cao quy định của nhà đầu tư chuyên nghiệp, quy định chặt chẽ hơn tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19" diễn ra mới đây, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, thị trường vốn của Việt Nam còn non trẻ nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Do đó, một số điều kiện ban đầu với các chủ thể gia nhập thị trường đôi khi quá thông thoáng dẫn đến một số rủi ro như thời gian qua.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực khẳng định, về dài hạn, thị trường vốn vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, "chia lửa", giảm bớt gánh nặng của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ để hạn chế rủi ro, nhưng cũng không nên "bóp nghẹt" thị trường.
Ông Lực ủng hộ quan điểm của Chính phủ, vẫn kiến tạo khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, đi đôi với hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, hướng tới một thị trường minh bạch, chuyên nghiệp.
"Khi các cơ chế bảo đảm chặt chẽ, số liệu, thông tin được minh bạch sẽ duy trì được lòng tin của nhà đầu tư về một thị trường phát triển bền vững", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Thanh Hoa