TKV cho biết, được sự đồng ý của Chính phủ, từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập công ty cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối) để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Luỹ kế đến nay, TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỷ đồng vào dự án.
TKV đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh. |
Từ khi thành lập, chủ đầu tư đã tập trung triển khai dự án/điều chỉnh dự án theo đúng chỉ đạo của các cấp thẩm quyền cũng như các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau đó, dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng Dự án Sắt Thạch Khê.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030. Do vậy, TKV đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh.
Dự án Mỏ quặng sắt Thạch Khê được xem là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam và số 1 khu vực Đông Nam Á, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai từ năm 2009.
Liên quan tới dự án trên, thời điểm cuối năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã có nhiều văn bản gửi Trung ương, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ngừng (chấm dứt) dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Hà Tĩnh cho rằng, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn đến nhiều tồn đọng, trong đó có phát sinh liên quan đến dự án chưa được giải quyết.
Bên cạnh dự án sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh, TKV cũng kiến nghị với Chính phủ về 2 dự án Bauxite ở Tây Nguyên. TKV cho biết thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, từ năm 2006 TKV đã tiến hành đầu tư 2 dự án Bauxite ở Tây Nguyên (gồm dự án tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng và dự án nhà máy sản xuất Alumina Nhân Cơ), với công suất mỗi dự án là 650.000 tấn alumin/năm. Đến nay, cả hai dự án đã đi vào hoạt động và có hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, TKV cho rằng để tận dụng mặt bằng, hạ tầng cơ sở đã đầu tư, nhanh chóng phát huy hiệu quả hai dự án Bauxite, từ năm 2021, TKV đã báo cáo, đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho TKV được tiến hành đầu tư nâng công suất 02 dự án lên 800.000 tấn alumin/năm, hiện nay Chính phủ đang xem xét.
Do đó, TKV đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sớm thẩm định đề xuất của TKV về đầu tư công suất 2 dự án Bauxite lên 800.000 tấn alumin, báo cáo Chính phủ để TKV triển khai các bước tiến theo.
Thy Lê