Tại Hội thảo “Diễn đàn Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức sáng nay 30/11, theo Ts. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: Nhiều khi chúng ta chưa kịp mừng vì cổ phần hóa (CPH) được doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã phải lo về quản trị hậu CPH DN đó.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn tình trạng "bình mới rượu cũ" (Nguồn: Internet) |
Hiện, tại nhiều DN, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy ấy, lãnh đạo ấy và con người ấy nhưng được gọi tên là CPH.
Theo Ts. Vũ Đình Ánh: "Bản chất sở hữu DN trên thế giới chủ yếu tồn tại hai hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Chúng ta sở hữu DN hậu CPH là hỗn hợp nên không thể "copy" các kỹ năng của thế giới để áp dụng được.
Điều ông Ánh lo ngại hiện nay là các tiêu chuẩn quốc tế được cho là áp dụng các DN sau CPH chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hình thức và thực tế không giống nhau.
"Chúng ta có cái vỏ là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế mới quan trọng, chúng ta có cái ruột lại là Việt Nam, vẫn là những lãnh đạo cũ", ông Ánh nói.
Hai ví dụ điển hình được ông Ánh đưa ra để chứng minh cho kỹ năng quản trị yếu kém và mang nặng cơ chế cũ phi thị trường và thiếu sự kiểm soát là: Tổng công ty Viễn thông MobiFone bỏ số tiền lớn để "mua hớ" AVG và trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) bất đồng trong cơ chế thanh toán và giá bán than đang gây ồn ào dư luận.
PGs. Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng tiến độ CPH DNNN diễn ra chậm và vẫn còn tình trạng "bình mới rượu cũ". Sau CPH, DN đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Trước nay, chúng ta quản lý DNNN theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra…, như thế vô tình khoác cho DNNN cái áo chật chội, mà chúng ta không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DNNN là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới DNNN.
"Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là bước tiến cụ thể thực hiện chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong tách bạch quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước, một bước để thiết lập khuôn khổ quản trị hiện đại, minh bạch, mang tính chất của một nhà đầu tư", ông Hiếu nói.
Nhật Linh