Câu chuyện CPH Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) khiến cho cuộc họp báo về tình hình CPH doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại Bộ Tài chính ngày 27/9 trở nên “nóng nực”.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay, Phó Thủ tướng đã giao thanh tra, đúng hay sai sẽ có kết luận. Bộ Tài chính chỉ ban hành cơ chế chính sách.
DN không thể tự tiện chuyển đổi
Các ồn ào xuất hiện trong quá trình CPH VFS được chỉ ra là do việc định giá hãng phim truyện, vốn có bề dày đóng góp nhiều bộ phim lịch sử và đang nắm hơn 14.000 m2 đất ở nhiều nơi, trong đó có khu đất vàng 4.500m2 tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội), chỉ hơn 32 tỷ đồng là “quá rẻ mạt”.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), mua lại hãng phim truyện nhằm mục đích thâu tóm đất vàng. Vì vậy, thời gian qua, một loạt nghệ sĩ của VFS đã có đơn kêu cứu. Dẫn tới, chiều ngày 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình CPH VFS.
Liên quan tới sự việc đang gây nóng dư luận, hàng loạt câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra cho đại diện Bộ Tài chính tại họp báo chuyên đề về tình hình CPH DNNN.
Ông Tiến cho biết, về pháp lý, phương án sử dụng đất đai là nội dung cơ bản trong CPH được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi trình phê duyệt phương án CPH, bản cáo bạch của DN phải nói rõ điều này, việc không công khai hình thức sử dụng đất là DN giấu nhà đầu tư, nếu có vấn đề gì, nhà đầu tư được quyền khiếu kiện.
“Các quy trình CPH VFS đã rất rõ, đất đai của hãng phim truyện được quy hoạch như thế nào sẽ được sử dụng đúng như vậy. Nếu chuyển sang xây chung cư, siêu thị… thành phố sẽ thu lại. Hiện tại, cơ quan thanh tra đang thanh tra lại toàn bộ quá trình CPH nơi đây nên phải đợi kết quả thanh tra xong, chủ đầu tư mới có thể đề xuất phương án sử dụng”, ông Quyết khẳng định.
Sẽ thu lại đất hãng phim nếu DN chuyển đổi mục đích
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý, nếu sau khi có kết luận thanh tra, Tp.Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng thì mới được làm, nhưng Nhà nước sẽ xác định giá mới theo giá xây dựng bất động sản. Khi đó, công ty CPH đủ tiền trả cho Nhà nước theo phương án mới thì làm. Không có tiền trả, đấu giá cho đơn vị khác khai thác đất.
“Theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai trong tương lai phải áp dụng theo đúng Luật Đất đai. Khi đấu giá, giá trị khu đất này phải được xác định theo đúng giá trị khi xây cao ốc, chung cư… Khi đó, nếu công ty cổ phần tiếp tục thuê đất, hàng năm, sẽ phải trả theo mức giá này”, ông Tiến nói.
Mở rộng ra, liên quan đến sử dụng đất đai sau khi CPH, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trước khi CPH, DN phải thuê công ty tư vấn đủ trình độ để thẩm định, tư vấn cho DN CPH đúng giá trị đất đó trong 10 năm nữa không chuyển đổi mục đích, chỉ xây dựng hãng phim, chỉ làm rạp chiếu phim. Vì vậy, không thể nói DN không biết mà tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng được.
Đừng kêu khi “ván đã đóng thuyền”
Cũng tại cuộc họp báo, ông Tiến cho rằng CPH là quá trình đưa người lao động làm chủ DN. Người lao động phải chọn đúng người để làm đại diện cho mình. Ở VFS, chọn ra chủ đầu tư tức là “ván đã đóng thuyền”. Mua bán xong, các nghệ sĩ mới lên tiếng, như vậy là làm khó cho cơ quan quản lý và cả nhà đầu tư.
“CPH hãng phim có tài sản là con người, giá trị ở con người, cho nên cần chọn người biết sử dụng tài sản đó. Trước khi CPH có buổi phổ biến phương án CPH, phương án nói rõ cổ đông chúng ta là ai, thế mạnh gì để người lao động có ý kiến, nếu không đồng thuận phải dừng lại. Lúc có quyền tại sao chúng ta không nói. Chúng ta đã bỏ quên vai trò của công đoàn, của người lao động trong CPH”, ông Tiến nhận xét thêm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng bài học kinh nghiệm cần rút ra quanh việc CPH hãng phim là cần thận trọng với những DN đặc thù về chất xám, “món ăn tinh thần”, bệnh viện, trường học.
“Phim có giá trị là chất xám, sản phẩm của họ là món ăn tinh thần, nên có những cái đặc thù, phải suy nghĩ kỹ, phải làm chặt. Nhắc lại là CPH không bằng mọi giá, không làm chậm nhưng phải thận trọng”, ông Tiến khẳng định.
Thanh Hoa