1. Trong một lần đến Việt Nam, GS.TS Gunter Pauli - tác giả của quyển sách nổi tiếng thế giới trong ngành nông nghiệp có tựa đề The Blue Economy (“Nền kinh tế xanh lam”), có tâm sự rằng Việt Nam có nhiều cơ hội rất lớn để phát triển nền kinh tế xanh lam.
Theo học giả Gunter, giai đoạn đầu của nền kinh tế này chính là việc mang lại giá trị cho những thứ tưởng chừng như đã hết giá trị sử dụng. Chẳng hạn như cây tre.
![]() |
Việt Nam có hơn 1,4 triệu ha đất trồng tre, nứa có trữ lượng khoảng 4,5 tỷ cây, có thể tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới. |
Diện tích trồng tre nứa ở Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu ha đất trồng tre, nứa có trữ lượng khoảng 4,5 tỷ cây. Với diện tích và trữ lượng đó, Việt Nam có thể tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới.
“Nhưng tại sao hiện tại điều đó chưa xảy ra? Là vì người ta chưa biết đến điều đó. Thách thức lớn nhất là công chúng chưa quan tâm nhiều đến việc này. Chúng ta không biết việc có thể dùng tre để sản xuất tã lót cho trẻ em. Hiện nay, tã lót trẻ em được sản xuất từ cây thông, trong khi loại cây này mọc chậm hơn tre và không tự mọc lại được như tre”, ông Gunter nói.
Từ đó, vị học giả này nhấn mạnh, Việt Nam không cần phải cải tiến gen cây tre mà chỉ cần sử dụng một cách sáng tạo và bền vững nguồn tài nguyên sẵn có để có thể tạo thêm việc làm mới, để phát triển nông nghiệp, và từ đó tạo ra sự phát triển hoàn toàn nằm trong khả năng của đất nước.
2. Thực tế, việc sử dụng các phế phẩm từ tre để chế biến than hoạt tính ở Việt Nam không phải không có, chỉ là vẫn chưa phổ biến. Như ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, có anh Lê Đức Bình (sinh năm 1988, người Mường) cách đây hơn 2 năm đã quyết tâm sản xuất than hoạt tính thông qua việc tận dụng rác thải từ chế biến tre luồng.
Anh Bình đã đến các cơ sở sản xuất lâm sản thu mua phế phẩm của tre luồng rồi mang về sử dụng. Để sản xuất ra than hoạt tính, anh cắt phụ phẩm tre và luồng ra từng đoạn rồi cho vào lò hoạt hóa được xây kín bằng gạch, sau đó bắt đầu đốt theo công nghệ hoạt hóa, yếm khí.
Khi đã đốt trong 1 tuần, anh dập lửa, bịt kín và ủ tiếp trong 8 ngày nữa, đợi khi than chuyển màu đen rồi lấy đóng túi. Các sản phẩm sản xuất ra gồm than dạng mảnh, than dạng ống, than dạng bột... Những loại than tre hoạt hóa này thường dùng để lọc khí, khử từ, khử mùi, chống khí đất và dùng trong ngành xây dựng nhà.
Do sản phẩm chất lượng tốt nên được nhiều tiểu thương nhập về, doanh thu của cơ sở ngày càng tăng cao. Anh Bình đã thành lập Công ty TNHH Vietnam Charcoal chuyên sản xuất, kinh doanh than hoạt tính. Cũng từ đây, công việc sản xuất kinh doanh ngày càng thuận lợi, mỗi năm cơ sở của anh sử dụng hơn 240 tấn chất thải rắn là mắt đốt, phế phẩm tre luồng của các xưởng chế biến đũa, tre để tạo ra hơn 72 tấn than hoạt tính.
Các sản phẩm than của anh Bình được nhiều tiểu thương ở Tp.HCM, Hà Nội nhập về buôn bán. Anh cũng đã xuất khẩu các sản phẩm này sang Hàn Quốc, Nhật Bản…
3. Là một độc giả của “Nền kinh tế xanh lam”, cầm cuốn sách này trên tay khi nói chuyện với những người nông dân và các nhà kinh doanh nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ông quan tâm lớn đến câu chuyện được GS.TS. Gunter Pauli đề cập là việc ngành nấm đã mang lại cho Trung Quốc 17 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm và tạo ra 10 triệu việc làm cho lao động nông thôn.
![]() |
Nền kinh tế xanh lam với những ứng dụng thực tiễn giúp nông dân, HTX và nhà doanh nghiệp làm ra tiền, tạo công ăn việc làm và bảo vệ môi trường sinh thái. |
Trong khi đó, theo ông Hoan, toàn bộ kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 41 tỷ USD. Và ông nêu câu hỏi: Họ trồng nấm ở đâu?
Sau đó, ông cho biết, như chia sẻ của “Nền kinh tế xanh lam” thì người Trung Quốc trồng nấm trên lục bình, trên bã mía, lõi bắp và đặc biệt là trên cà phê.
Tiếp tục dẫn thông tin từ cuốn sách này, ông Hoan cho rằng, với hạt cà phê khi đến người uống hàng ngày thì chỉ mới sử dụng được có 0,2% toàn bộ khối lượng của hạt, tức đã lãng phí đến 99,8% là thứ đã bị bỏ đi, từ thịt của quả cà phê cho tới bã.
Tuy nhiên, để biến những thứ bỏ đi trở thành giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. “Nhưng, cái đó (khoa học công nghệ), thì các doanh nghiệp của mình chưa làm được”, ông Hoan nói.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT mong rằng, cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất chuyển sang tư duy kinh tế, đó là vừa bán nông sản thô vừa biết bảo quản và vừa biết chế biến.
Liên hệ thực tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Hoan đặt vấn đề là việc thay đổi thứ tự ưu tiên các cụm ngành chủ lực của ĐBSCL, từ lúa gạo, trái cây và thuỷ sản như hiện nay sang thủy sản, trái cây và lúa gạo không hẳn sẽ giúp giải quyết được vấn đề tụt hậu của vùng.
“Còn gì nữa hay không? Hay mình đảo tới, đảo lui rồi 5 năm sau tiếp tục đảo nữa hay sao?”, ông nêu câu hỏi và lại nhắc đến chuyện trồng nấm ở Trung Quốc.
4. Trở lại với câu chuyện của GS.TS. Gunter Pauli, ông nói rằng: "Nếu chúng ta trồng được nấm từ chất thải cà phê thì chúng ta sẽ có nấm và cà phê. Nếu sau khi thu hoạch được nấm, chúng ta có thể dùng chất thải từ nấm để làm thức ăn cho động vật".
Như vậy, sẽ có đến 3 sản phẩm thay vì chỉ 1. Điều này chưa hẳn phải dùng công nghệ hiện đại gì cả. Vấn đề là Việt Nam cần nhìn về nền kinh tế xanh lam theo một cách mới mà thôi.
Và ông cũng lưu ý về rào cản lớn nhất khi có quá nhiều người học Thạc sĩ quản trị kinh doanh - vốn chỉ chú ý đến một thứ duy nhất, và khi chỉ nhìn một thứ thì sẽ không thấy được những cơ hội khác. Lúc đó, họ sẽ được xem là người làm trong ngành cà phê chứ không có làm gì liên quan đến nấm.
“Rào cản thứ hai là hệ thống quản lý đôi khi khiến tầm nhìn của ngành nông nghiệp Việt chỉ gói gọn vào vài thứ tiêu biểu. Tôi nghĩ đến đây thì vấn đề giáo dục cần được đề cao”, ông Gunter nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng tác phẩm “Nền kinh tế xanh lam” rất có ý nghĩa cho những nhà làm nông nghiệp ở Việt Nam với nhiều ý tưởng đổi mới tuyệt vời cùng với những ứng dụng thực tiễn giúp nông dân, HTX và nhà doanh nghiệp làm ra tiền, tạo công ăn việc làm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Và cuốn sách này đã cung cấp đầy đủ những đổi mới công nghệ dựa vào tự nhiên. Nó cho thấy sự bền vững môi trường và lợi nhuận của nông dân, HTX, doanh nghiệp không loại trừ lẫn nhau.
Thực ra, theo GS.TS Gunter Pauli, khái niệm về nền kinh tế xanh lam cho nông nghiệp Việt được xem là khá đơn giản khi chúng ta có thể dùng bất cứ thứ gì sẵn có. Khi dùng bất cứ thứ gì thì cần tận dụng tối đa giá trị của nó. Nếu chỉ cố gắng mang lại kết quả tiến bộ hơn chỉ 5 - 10 lần thì không, mà là phải làm tốt hơn đến 500 lần.
Nhiều lúc người ta nói điều đó không thể. Nhưng, cách tiếp cận của nền kinh tế xanh lam là biến những điều không tưởng thành hiện thực. Chẳng hạn như ở Việt Nam có rất nhiều cà phê, là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Có cà phê thì sẽ có chất thải cà phê từ các nông trường, từ các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Những nguồn chất thải đó có thể được sử dụng để trồng nấm, làm thức ăn cho động vật, sản xuất chất bảo quản trong sản phẩm dệt, trộn với sơn để giảm tác động của tia UV.
Khi đó, cà phê không còn đơn giản là một loại thực uống, mà đã trở thành một loại hoá chất sinh học, nhưng không đòi hỏi quá nhiều ở quá trình nghiên cứu và hệ thống sản xuất mới.
Thế Vinh