Trước bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi (TACN) đang tăng chóng mặt khiến cho người chăn nuôi điêu đứng, theo thông tin được hãng Bloomberg hé lộ tuần trước, tập đoàn Masan của Việt Nam đang tìm kiếm các phương án để huy động vốn cho mảng TACN của mình ở công ty Masan MeatLife, bao gồm cả việc bán cổ phần cho một đối tác chiến lược nhằm có thể huy động tới 1 tỷ USD.
Quá nặng chi phí đầu vào
Thị trường TACN ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, là cơ hội để cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Và, những triển vọng huy động nguồn vốn lớn như vậy trong mảng TACN vẫn được cho là khả thi.
Giá thành sản xuất cao làm sản phẩm thịt nội địa khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu. |
Trong khi đó, nhận định mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá nguyên vật liệu thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao đang làm người sản xuất gặp khó khăn. Trong đó, những người nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Theo số liệu thống kê, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu TACN hồi tháng 4/2021 đã tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 8,79% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tăng giá này cần đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu TACN chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%-85%), giá nhập khẩu TACN 4 tháng đầu năm 2021 tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng đến giá TACN trong nước.
Trao đổi với VnBusiness, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá thành sản xuất tăng theo giá TACN (chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất) trong khi giá bán ra lại thấp hơn nên chuyện lỗ nặng với họ là khó tránh khỏi.
Còn theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, trong khi giá đầu ra sụt giảm thì chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi đang tăng mạnh và dự đoán mức tăng này chưa ngừng lại. Nhất là giá thành chăn nuôi bị đội lên rất nhiều khi mà giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao.
Thực tế cho thấy, lâu nay việc giảm giá thành sản xuất đối với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ vốn dĩ là bài toán khó. Còn với tình hình giá cả đầu vào tăng cao như hiện tại, việc giải bài toán này càng nan giải hơn.
Như với ngành chăn nuôi lợn, giá con giống và thức ăn chiếm hơn 80% chi phí. Bản thân nguyên liệu sản xuất TACN phải nhập khẩu với giá đắt đỏ vẫn là vướng mắc lớn nhất cho việc giảm giá thành.
Còn về lợn giống, riêng năm ngoái cả nước đã nhập khẩu 43.806 nghìn con lợn giống. Có những thời điểm người chăn nuôi tái đàn với giá lợn giống tăng cao ngất ngưởng, lên đến 3-3,5 triệu đồng/con. Bởi chi phí giống quá cao, cộng với giá TACN tăng mạnh nên giá thành chăn nuôi lợn của người dân đã ở mức khoảng 70.000 đồng/kg.
Chờ lời giải từ chuỗi chăn nuôi khép kín
Với người chăn nuôi, chi phí thức ăn cho vật nuôi đang bị phụ thuộc vào chính các nhà sản xuất, nhất là trong tình thế thị trường TACN Việt Nam bị chi phối bởi các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài hoặc DN liên kết với tổng thị phần đang chiếm hơn 65%.
Để giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, việc trước tiên là làm sao phải giảm được giá TACN. Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các DN và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước, thay thế cho nguồn nhập khẩu như khô hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.
Theo giới phân tích, hướng đi tốt nhất để giảm giá thành chăn nuôi trong nước lúc này là cần tạo thành hệ thống chăn nuôi khép kín thông qua việc phát triển mô hình 3F gồm ngành thức ăn chăn nuôi (Feed) - trang trại chăn nuôi (Farm) - Thực phẩm (Food).
Điều này nhằm giải quyết những khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Nhất là khả năng tự chủ của đầu vào được cho là còn rất thấp. Như việc sản xuất TACN, dù Việt Nam là quốc gia hàng đầu về sản xuất nông sản nhưng mỗi năm chỉ cung ứng được 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn so với nhu cầu 27 triệu tấn/năm đối với các loại nông sản để sản xuất TACN.
Còn ở đầu ra, nhất là với các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, việc sản xuất và thị trường vẫn chưa được kết nối chặt chẽ. Cho nên, trong khi giá thành sản xuất cao thì giá bán đầu ra lại thấp hơn dẫn đến tình trạng thua lỗ.
Hơn nữa, do chưa kiểm soát được cung cầu sản phẩm nên giá cả biến động khá thường xuyên. Đây là một trong những tồn tại trong hệ thống chăn nuôi của Việt Nam.
Bài toán giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi chỉ được giải bớt phần nào nếu ngành này nhanh chóng khắc phục được điểm yếu ở khâu tổ chức sản xuất, chủ động được nguồn nguyên liệu TACN. Nhất là cần làm sao để các nhà chăn nuôi trở nên “chuyên nghiệp” hơn với chuỗi chăn nuôi khép kín.
Thế Vinh