Mặc dù dịch Covid-19 đang tái bùng phát, nhưng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt trong dịp Tết Nguyên đán 2021 vẫn được cho là khả quan, nhất là ở các vùng đô thị lớn.
Tuy giá thịt lợn hơi trong những ngày giáp Tết hiện ổn định ở mức 80.000 đồng/kg, nhưng những dự báo cho thấy giá thịt lợn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay.
Đầu tư lớn, dự tính doanh thu cao
Với mảng kinh doanh sản phẩm thịt vốn đang duy trì ở mức giá cao, một số doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành chăn nuôi tiếp tục kỳ vọng mảng này sẽ có tăng trưởng lớn về mặt doanh thu.
Đơn cử như Tập đoàn Masan dự kiến mảng kinh doanh thịt trong năm 2021 sẽ tăng trưởng từ 25 - 50% doanh thu thuần. Năm 2020, mảng kinh doanh thịt của DN này đạt tổng doanh thu 16.119 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019.
Mở rộng quy mô sản xuất chế biến giúp những DN lớn kỳ vọng tăng trưởng cao ở mảng kinh doanh thịt. |
Khả năng tăng trưởng này được cho là có cơ sở, khi nhu cầu tiêu thụ thịt trên thị trường vẫn cao và Masan đang mở rộng quy mô sản xuất chế biến sản phẩm thịt.
Hồi tháng tháng 10 năm ngoái, Masan đã khánh thành tổ hợp chế biến thịt lợn, thịt lợn mát các loại với quy mô 140.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tân Đức, (huyện Đức Hòa, Long An).
Ngoài ra, DN này còn mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm thông qua việc rót vốn 613 tỷ đồng để sở hữu 51% Công ty 3F Việt - DN nội địa có nền tảng sản xuất thịt gia cầm hàng đầu.
Hoặc như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam - với vị thế vững chắc trong ngành thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt ở thị trường phía Bắc. Năm 2020 vừa qua được ghi nhận là một trong những DN hưởng lợi lớn nhất khi giá thịt lớn tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm.
Trong năm nay, Công ty chứng khoán ABS dự báo mảng 3F (mô hình kinh doanh khép kín từ thức ăn chăn nuôi (Feed) - trang trại chăn nuôi, sản xuất con giống (Farm) và thực phẩm chế biến (Food)) của Dabaco sẽ tiếp tục lạc quan khi giá thịt lợn duy trì ở mức cao.
Năm 2020, dù dịch Covid-19 có tác động lớn, DN này vẫn đạt doanh thu 10.373 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến tổng doanh thu của Dabaco sẽ đạt hơn 15.439 tỷ đồng - một con số "khủng" so với các DN khác trong ngành chăn nuôi.
Để mảng kinh doanh sản phẩm thịt lợn có thể tăng trưởng cao trong năm nay, việc đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn đã được DN này tính toán, đầu tư từ năm 2020. Cụ thể là Tổ hợp chăn nuôi sản xuất lợn giống và lợn thương phẩm tại Bình Phước với quy mô 5.300 con nái và 70.000 con thương phẩm; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm tại tỉnh Hòa Bình với quy mô tương đương Bình Phước; Khu chăn nuôi lợn tại Thanh Hóa với quy mô 5.600 con nái và 77.400 con thương phẩm.
“Cửa sáng” để cạnh tranh
Sức tăng trưởng mảng kinh doanh thịt lợn đang được kỳ vọng vào những DN lớn như trên. Theo đánh giá, hiện cả nước có 16 DN chăn nuôi lớn tăng lên 5,55 triệu đầu lợn, chiếm 23% tổng đàn lợn của cả nước. So với lúc trước dịch tả lợn châu Phi, hiện khối DN chăn nuôi lớn tăng trưởng tới 160% và so với ngày 1/1/2020 tăng 155%.
Về mặt địa phương, Bình Phước đang đứng đầu về tăng trưởng tổng đàn lợn từ mức 800.000 con lên 1,3 triệu con.
Có thể thấy, để phát triển mảng kinh doanh thịt, nhiều DN lớn đã và đang đầu tư khá mạnh vào ngành chăn nuôi. Đây được cho là “cửa sáng” để sản phẩm thịt trong nước nâng sức cạnh tranh với thịt ngoại nhập trên “sân nhà” và có thể đẩy mạnh xuất khẩu nhằm thu về giá trị cao.
Như hồi cuối năm ngoái, Công ty C.P. Việt Nam đã khánh thành tổ hợp chế biến thịt gà lớn nhất Đông Nam Á tại Bình Phước với mức đầu tư lên tới 250 triệu USD trong giai đoạn đầu. Dự kiến trong năm 2021, tổ hợp này sẽ xuất khẩu khoảng 5.000 tấn thịt gà sang nhiều thị trường.
Xét về cạnh tranh hiện nay giữa thịt nội với thịt ngoại, chi phí giao dịch (vận chuyển, thuế nhập khẩu, kiểm định…) khiến giá thành nhập khẩu thịt lợn hơi về Việt Nam tăng cao. Mặt khác, việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ các nguồn khác hiện chỉ đáp ứng được 5% thị trường tiêu thụ nội địa.
Vì vậy, việc đầu tư lớn vào chăn nuôi, giết mổ và chế biến của các DN lớn như hiện nay là một sự khẳng định đúng hướng đi để gia tăng sức tăng trưởng mảng kinh doanh thịt trên “sân nhà”.
Điều quan trọng là ngành chăn nuôi nội địa trong năm nay cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
Và các DN cần tiếp tục tạo ra những sản phẩm thịt chế biến gắn với nhu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt là cần sử dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất để đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của tất cả thị trường trên thế giới.
Hơn nữa, trong giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đặt ra của ngành chăn nuôi là phải nâng tầm quốc tế, hướng tới chế biến theo chuỗi, xuất khẩu. Để hiện thực hóa điều này, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi là cực kỳ cần thiết, có như vậy thì sức tăng trưởng của mảng kinh doanh thịt mới có thể vững chắc hơn.
Thế Vinh