Với người nông dân, phương thức canh tác và tiêu thụ nông sản chủ yếu là bán tươi sản phẩm ngay tại ruộng cho thương lái hoặc bảo quản sơ sài tại nhà. Doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu (XK) nông sản chủ yếu là xuất thô, tỷ lệ chế biến tinh rất thấp.
Công nghệ ở mức trung bình
Tại nghị trường Quốc hội mới đây, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) chia sẻ: Người dân tỉnh Bình Phước hiện nay đang rất lo lắng về tình trạng được mùa mất giá của nông sản. Giá các loại cây trồng chủ lực như cao su, tiêu, điều xuống thấp, có nhiều biến động và liên tục rớt giá nhiều năm qua.
Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp và định hướng chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu, cây điều trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng và XK cao, thậm chí có thể dùng từ rất khá trong một số năm gần đây.
Tuy nhiên, kết quả này không được trọn vẹn, vì riêng khu vực cây công nghiệp năm nay giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, không phải chỉ có cao su, tiêu, điều mà kể cả mía. Tháng 11 này sẽ thu hoạch cà phê, dự báo cho thấy giá có thể không cao.
Trong đó, riêng ngành điều, Bộ trưởng cho biết Việt Nam hiện có 486 nhà máy chế biến, dẫn đầu thế giới về số lượng nhưng chỉ có 20% tham gia chuỗi giá trị chế biến sâu.
"Phải tập trung lại để cho giá trị cao hơn, chứ không phải chỉ ra được hạt điều rang khô để đóng gói XK như hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế chế biến trên 100 triệu tấn nguyên liệu/năm, có trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với XK.
Tuy nhiên, khâu chế biến và bảo quản nông sản được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sản xuất nông nghiệp và chưa tạo được giá trị gia tăng nhiều.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới. Tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại sản phẩm chưa phong phú.
Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/ năm, chỉ bằng 1/3 – 1/2 mức tối thiểu của nhiều nước khác.
Cụ thể, với ngành lúa gạo, cả nước hiện có 580 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm, song năng lực sấy và bảo quản lúa sau thu hoạch nhiều nơi còn hạn chế do thiếu nhà máy sấy và kho dự trữ lúa.
Đối với ngành rau quả, sản lượng sản xuất cả nước đạt trên 25 triệu tấn/năm nhưng hiện chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Ngành thủy sản hay cà phê, gỗ, công nghiệp chế biến mủ cao su nhìn chung cơ sở chế biến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
PGs. Ts. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng không khó để có thể nhận thấy công nghệ sau thu hoạch vẫn còn khá hạn chế, nếu như không nói là còn yếu. Đó là một phần nguyên nhân dẫn tới những câu chuyện về giải cứu các mặt hàng nông sản liên tục trong những năm gần đây.
Có 486 nhà máy chế biến điều nhưng chỉ 20% làm được chuỗi chế biến sâu |
Khuyến khích đầu tàu – DN
Nói về khó khăn, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, chia sẻ một trong những thế mạnh của DN này là chế biến hàng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, để làm được mặt hàng như vậy, DN phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (gia vị) từ Thái Lan tốn nhiều thời gian và chi phí. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực chế biến nông sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay, các DN muốn đầu tư vào chế biến nhưng khó khăn là diện tích khá phân tán. Trong đó, đối với ngành trái cây, muốn cho chế biến thì chất lượng phải đồng nhất. Ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai; nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó.
"Bộ đang tập trung chỉ đạo các viện cùng các DN để phối hợp với nông dân để làm từng bước một", Bộ trưởng cho biết.
Hơn nữa, nhìn tới xu hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng hiện nay, thế giới không chỉ đẩy mạnh chế biến sản phẩm mà còn chế biến phụ phẩm của sản phẩm đó. Riêng về con tôm, hiện nay, Việt Nam đã có 2 DN tập trung công nghệ mới để chế biến vỏ tôm. Giá trị của vỏ tôm và các chế phẩm phụ có thể bằng một nửa, thậm chí ngang bằng giá trị con tôm chính. Đây là một hướng đi lâu dài và thu được nhiều giá trị. Hay nước thải, phế thải sau xử lý con cá tra, kể cả nước phèn, bùn, có thể làm phân hữu cơ.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Quốc Toản, chế biến vẫn còn nhiều việc phải làm ở nhiều cấp độ, đặc biệt từ cấp độ DN trước đòi hỏi và áp lực ngày càng lớn của thị trường đầu ra và đòi hỏi từ chính sự đa dạng, đặc thù của sản phẩm nông sản đang có.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chú trọng đẩy mạnh toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Đồng thời, Bộ cũng có nhiều chương trình thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, cộng đồng DN để tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ vào công tác chế biến.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành có thể hỗ trợ các địa phương mời gọi các nhà đầu tư phát triển chế biến nông sản. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường nguồn vốn và cơ chế chính sách cho ngân hàng thương mại để hỗ trợ thực hiện chế biến, bảo quản nông sản, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Kiến nghị để nâng cao giá trị ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cũng cho rằng Nhà nước nên có các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn để khuyến khích DN liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng các hệ thống sấy lúa, silo chứa lúa và các dây chuyền chế biến hiện đại.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Học viện Nông nghiệp Việt Nam Việc ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch nông sản lâu nay không chỉ người nông dân mà ngay cả DN vẫn thường kêu khó trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị. Để gỡ bỏ nút thắt này, phải nhìn nhận cả hai phía, nhất là cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo các nguồn vốn vay ưu đãi để DN đầu tư máy móc. Ông Trần Ngọc Quân - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Đặc điểm của nông sản thu hoạch là tập trung theo mùa vụ nhất định, nếu cứ đẩy ra thị trường một lượng nông sản quá lớn sẽ rất khó khăn vì nhu cầu của người tiêu dùng có hạn. Do vậy, cần phải đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản để kéo dài mùa vụ nông sản. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Hướng của ngành nông nghiệp, cùng với các địa phương, các thành phần kinh tế là thiết lập được chuỗi giá trị sâu hơn nhờ đẩy mạnh công nghệ chế biến, không chỉ ở sản phẩm chính mà ngay cả ở các sản phẩm phụ như trấu, rơm, nước thải sau chế biến cá tra, vỏ tôm… cũng thành sản phẩm tốt. |