Là người gắn bó với ngành nông nghiệp lâu năm, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ vấn đề nông nghiệp khiến ông trăn trở lâu nay là thị trường. Khi trao đổi với bất cứ một doanh nghiệp (DN) sản xuất nông nghiệp hay nông dân nào, nỗi lo lớn nhất của họ vẫn là bán sản phẩm cho ai.
Nông sản thường xuyên phải "giải cứu"
Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, cho biết mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã đảm bảo ổn định việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua các hợp đồng kinh tế, góp phần khắc phục tình trạng được mùa mất giá, tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản – thực phẩm giữa các chủ thể tham gia mô hình.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2008-2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) bình quân nhóm hàng nông sản đạt 20,8 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%/năm. Về thị trường XK, nếu như năm 2011, Việt Nam có 19 thị trường XK đạt hơn 1 tỷ USD, năm 2017 đã lên hơn 30 thị trường.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng thừa nhận công tác thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị mới chỉ là diện hẹp trên một số sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại nông thôn trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ còn nhiều bất cập. Hoạt động bao tiêu, cung ứng sản phẩm còn mang tính tự phát, mối liên kết giữa các thành viên trong kênh phân phối còn lỏng lẻo, tự phát.
Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, cho biết công nghiệp chế biến nông sản, hoạt động dịch vụ, thương mại ở vùng nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, bảo quản trong và sau thu hoạch tại một số huyện của tỉnh còn chậm phát triển.
Việc liên doanh, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa các DN và các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến các mặt hàng nông sản XK đều chưa tạo được thương hiệu riêng, thường được xuất làm nguyên phụ liệu hoặc phối trộn nên giá XK thường xuyên bị biến động, phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới.
"Tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người dân và DN vẫn thường xuyên xảy ra do chưa có chế tài xử phạt vi phạm cũng như những chính sách cụ thể hỗ trợ đầu ra cho nông sản", bà Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, thẳng thắn cho rằng 10 năm qua, chúng ta vẫn chưa giải quyết xong câu hỏi làm thế nào để người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình, vì tình trạng "giải cứu" nông sản thường xuyên xảy ra.
Hiện, các DN tiêu thụ nông sản, người tiêu dùng luôn canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm, trong khi người nông dân lại canh cánh bài toán sản phẩm bán được không và bán cho ai.
Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX trong phát triển sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ bao tiêu sản phẩm |
Tập hợp nông dân vào HTX
Từng là tư lệnh của ngành nông nghiệp, ông Cao Đức Phát cho rằng sản xuất nông nghiệp khác với sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, năm nào thời tiết thuận lợi, sản phẩm sẽ cho năng suất cao và ngược lại thời tiết khắc nghiệt thì nguồn cung giảm mạnh. Lúc này phải "giải cứu", khi khác lại đối mặt được giá nhưng mất mùa.
Bởi vậy, ngành nông nghiệp rất cần một thị trường ổn định – bài toán này đã giải nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều thách thức. Phần lớn nông sản bán ra chưa có thương hiệu. XK cà phê, gạo hàng triệu tấn mỗi năm nhưng không có thương hiệu, một số nông sản phụ thuộc một hoặc một số thị trường, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi sản xuất.
Trong khi đó, công nghiệp chế biến vẫn ở khâu sơ chế. Lúa thu hoạch xong, xay xát, sấy rồi đóng bao xuất đi; cá tra cắt một vài lát, đem vào đông lạnh, đóng gói XK…, nên giá trị thu về rất thấp. Một kg cà phê bán thô chỉ có giá trị 150.000 đồng, nhưng nếu chế biến thành cà phê hòa tan thì giá trị tăng gấp nhiều lần.
Ông Cao Đức Phát cho rằng muốn phát triển ngành nông nghiệp cần phải đẩy mạnh hơn khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng. Tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn tới phải đi theo hướng chuyển từ tăng số lượng sang tăng chất lượng, quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, tập trung chế biến sâu và đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường.
Hầu hết nông sản hiện đã vượt xa nhu cầu trong nước, chỉ khi XK tốt mới giải được bài toán thị trường. Hiện nay, XK lúa gạo 6-7 triệu tấn mỗi năm nhưng sản xuất khoảng 26 triệu tấn.
Bên cạnh đó, theo ông Phát, cần phải xây dựng hệ thống liên kết vùng tiêu thụ. Chẳng hạn, nông sản của Lai Châu không chỉ tiêu thụ ở tỉnh này mà phải tiêu thụ trên toàn quốc, vươn ra thị trường quốc tế, cạnh tranh được với các sản phẩm quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng muốn giải quyết bài toán thị trường, trước hết sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Thị trường chỉ sản xuất, phân phối kinh doanh sản phẩm đạt chuẩn. Chỉ khi nào tín hiệu thị trường phát ra như vậy mới làm thay đổi cách sản xuất tự do sử dụng hóa chất như hiện nay.
Bên cạnh đó, phải tập hợp nông dân thành HTX. Sản phẩm XK yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ… rất khắt khe, từng hộ nông dân không thể đáp ứng. Đồng thời, HTX sẽ thay mặt người nông dân xây dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm.
Về dự báo thị trường, bà Cao Thị Thanh kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp địa phương tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, thu thập thông tin về thị trường các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn trong và ngoài nước theo định kỳ để phổ biến đến Sở Công Thương các tỉnh, từ đó DN và người dân chủ động hơn trong hoạt động sản xuất.
Chỉ khi nào nông nghiệp Việt Nam đi theo hướng phát triển bền vững như vậy mới chấm dứt tình trạng được mùa mất giá.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh
Chính phủ nên có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX trong phát triển sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình HTX kiểu mới, mô hình chuỗi liên kết, xây dựng đề án phát triển HTX nông nghiệp. Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp để định hướng sản xuất, tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh, triển khai các thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với các nước. Ông Cao Đức Phát - Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Đến lúc ngành công nghiệp phải đóng vai trò lôi kéo nông nghiệp tiến lên hội nhập quốc tế. Giải quyết bài toán thị trường, một mình Bộ NN&PTNT không thể làm được mà vai trò chính là Bộ Công Thương. Ngành công thương đóng vai trò chính tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. |