Cụm Nhà máy Tanifood ở tỉnh Tây Ninh của một doanh nghiệp (DN) nội địa là Công ty CP Lavifood, được áp dụng được những phương thức quản lý, công nghệ hiện đại 4.0, có diện tích gần 15 hecta, tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng. Nhà máy sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đây cũng là nhà máy mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian đến thăm vào ngày 21/8 nhân chuyến công tác tại Tây Ninh. Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến nhà máy đã liên kết được "6 nhà" trong phát triển và áp dụng được những công nghệ hiện đại trong bối cảnh nông sản Việt đang tìm lối ra, loay hoay được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Hướng đến chế biến sâu
"Chính những cách làm này sẽ giúp cho nông dân có được thu nhập tốt. Như trình bày của nhà đầu tư là chủ trương tăng thu nhập cho mỗi người nông dân, từ 0,26 USD/ m2 tăng lên 2,6 US/m2, tức là tăng lên 14 lần" – Thủ tướng nói.
Với chủ trương như tính toán của nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rằng nếu Việt Nam làm được 63 nhà máy tương tự như vậy thì doanh thu có thể mang lại 22,5 tỷ USD. Như vậy, những sản phẩm quan trọng, then chốt nhất của Việt Nam từ gạo cho đến rau củ quả, dược liệu, tôm cá… sẽ phản ánh đúng thế mạnh của mình.
Thủ tướng cũng lưu ý không để tình trạng mà chúng ta thường hay mắc phải là khi nhà máy đi vào hoạt động thì không có nguyên liệu. Hoặc ngay như đầu ra, cần một cuộc điều tra về nhu cầu sản phẩm của thế giới, thị trường đầu ra quyết định sự thành công của sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần phải nghĩ đến thị trường Việt 100 triệu dân trong tương lai, đây là thị trường rất quan trọng. Do đó, DN cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở tìm các nhu cầu để sản xuất sản phẩm. Với công nghệ hiện đại như nhà máy, tin rằng việc sản xuất những sản phẩm mới là không khó.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của HTX, cũng như tổ chức kinh tế hộ nông dân là chủ thể phát triển nông nghiệp hiện nay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng với Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khi tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm nhà máy, lãnh đạo Liên Minh HTX Việt Nam cần tiếp tục thuyết phục, phân công các công ty, HTX, hộ tổ chức sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị do tỉnh Tây Ninh đứng ra tổ chức.
"Tôi nghĩ rằng nhà máy này sẽ thành công trong tương lai, mở đầu cho ngành công nghệ chế biến sâu của Việt Nam, xuất đi toàn cầu và tiêu thụ tại Việt Nam, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, người Việt…" – Thủ tướng khẳng định.
Nhìn về những triển vọng từ một hình mẫu nhà máy chế biến sâu nông sản với việc liên kết chuỗi giá trị như nêu trên, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia về Nghiên cứu phát triển (R&D) Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng để hướng đến nền nông nghiệp 4.0, Việt Nam rất cần những nhà máy như vậy, nhất là cần những DN nông nghiệp dẫn đầu, có thương hiệu mạnh, tầm cỡ quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh đến chuỗi giá trị trong chuyến thăm Nhà máy Tanifood |
Cần doanh nghiệp dẫn đầu
Muốn như thế, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, chúng ta phải có những chính sách đặc thù. Để hùng mạnh thì phải có cánh đồng lớn, DN lớn và những máy móc thiết bị có tính hệ thống đầy đủ cho cánh đồng lớn.
Theo ông Dũng, nông sản Việt nên đầu tư nhiều hơn cho R&D. Nhà nước phải là nhà tư vấn cho nông dân từ việc canh tác cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng hay xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, cách giao tiếp, bán hàng ở nước ngoài…
Trong vấn đề liên kết chuỗi giá trị cho nông sản công nghệ cao để xuất khẩu (XK), giới chuyên gia cho rằng vai trò của Nhà nước có tính chất dẫn dắt, lôi kéo các hoạt động khác phát triển: Phát triển sản phẩm chủ đạo sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm nhiều DN trong việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Trước hết, cần tập trung vào những sản phẩm chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, có giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa lớn như: sản xuất các loại đồ hộp, chế biến nước hoa quả, hàng tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm nông, thủy sản… Đặc biệt ưu tiên và có chính sách hỗ trợ đối với các nghiên cứu và sản xuất các loại giống và công nghệ mới.
Có một tin vui liên quan đến XK nông sản là trong ngày 21/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ- CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chính thức bãi bỏ các quy định thương nhân XK gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/ giờ như quy định trước đây trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP.
Nếu so với Nghị định 109 vốn bị kêu ca bấy lâu nay, Nghị định 107 vừa ban hành được cho là đã mở toang cánh cửa cho thương nhân XK gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng với thủ tục hải quan tương đối dễ dàng hơn cho DN.
Có thể thấy, với sự thông thoáng trong môi trường đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cắt bỏ những điều kiện hạn hẹp trói buộc DN, việc XK nông sản công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi trong thời gian tới sẽ gặt hái nhiều thắng lợi như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.
Thế Vinh