Bộ KH&ĐT cho biết, dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã định hướng đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 4 giai đoạn 2021-2030 cũng đã xác định tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Vượt bẫy thu nhập trung bình
Như vậy, Việt Nam còn khoảng 25 năm để thực hiện được khát vọng trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao. "Đây là quãng thời gian rất dài nhưng nếu không có sự nỗ lực, cố gắng từ mọi khu vực trong nền kinh tế thì chúng ta có thể dễ dàng rơi vào "bẫy" của chính mình", một chuyên gia bình luận.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thịnh vượng và hùng cường vào năm 2045. |
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ một nước phải đi nhận viện trợ gạo, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Người Việt Nam có thể thay đổi trạng thái từ nước đói ăn sang cường quốc sản xuất lương thực, khống chế tốt dịch bệnh COVID-19... thì không có lý gì chúng ta không đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Ông Cường phân tích, theo đánh giá của IMF, GDP bình quân năm 2020 của Việt Nam tính theo sức mua tương đương là xấp xỉ 10.000 USD/người. Nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm, sau 10 năm thì GDP bình quân đầu người sẽ tăng gấp đôi. Năm 2030, GDP bình quân đầu người có thể đạt 20.000 USD, năm 2040 đạt 40.000 USD; năm 2045 có thể đạt 50.000 USD/người - mức của các nước phát triển cao.
Tuy nhiên, điều ông Cường băn khoăn nhất là có duy trì được mức tăng trưởng kinh tế 7% trong tất cả những năm tới hay không. Lịch sử các nước có tăng trưởng kinh tế cao cho thấy, có năm tăng trưởng nhảy vọt tới 10%, giúp giải quyết vấn đề có năm tăng trưởng suy giảm. Ví dụ như đại dịch COVID-19 vừa qua, thì năm tăng trưởng kinh tế cao sẽ bù cho năm tăng trưởng thấp.
Mặt khác, tăng trưởng cao sẽ giúp vượt qua được "bẫy thu nhập trung bình", nếu không có nhảy vọt thì không vượt qua được. Nếu Việt Nam duy trì tăng trưởng đều đều 6-6,5% thì không đột phá, không vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
"Muốn lên nước giàu thì phải tăng trưởng đột phá", ông Cường nói. Đồng thời nhấn mạnh: "Vấn đề là phải có bước nhảy, trọng tâm là đột phá. Không đổi mới sáng tạo thì không có bước nhảy, theo con đường bình bình như hiện nay thì không phát triển được".
Kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo
Trong khi đó, về đổi mới và sáng tạo - cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, vẫn đang còn những "nút thắt". Chia sẻ với VnBusiness, ông Kum Dongwha, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc nhìn nhận, để phát triển nền kinh tế của một quốc gia thì cần 3 yếu tố chính là nhân lực, tài chính và công nghệ. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên có nguồn nhân lực dồi dào; tài chính nếu thiếu có thể nhận hỗ trợ hoặc đi vay tại các tổ chức tín dụng, nhưng cần nhiều thời gian để phát triển và làm chủ về công nghệ.
Theo ông Kum Dongwha, hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển công nghệ của Việt Nam vẫn đang còn nhiều rào cản. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao một phần vì chưa nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của nó.
"Mặt khác, cần có chính sách để hài hòa hơn về nghiên cứu giữa khối trường - viện để gia tăng tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm. Đây là những vấn đề mà Việt Nam phải nhanh chóng giải quyết", chuyên gia Hàn Quốc lưu ý.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng thì cả Nhà nước, doanh nghiệp đều phải biết chắt chiu từng cơ hội. Bởi, "Không cơ hội nào, không thời gian nào đứng lại để chờ mình".
Bà Lan chia sẻ: "Năm 2021, kinh tế toàn cầu chắc chắn còn khó khăn, nhưng đây cũng sẽ là thời gian mà nhiều quốc gia sẽ chuẩn bị tối đa cho kế hoạch phục hồi kinh tế trở lại ngay khi COVID-19 được khống chế. Họ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ. Việt Nam có cơ hội là nước khống chế tốt dịch bệnh thì hãy tính các phương án để làm sao khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chúng ta có thể phục hồi mạnh mẽ nhất".
Bà Lan lấy ví dụ: Trong câu chuyện thu hút FDI, các địa phương cần phải có kế hoạch để mời gọi nhà đầu tư. Nếu chọn địa điểm đầu tư cho giai đoạn từ năm 2022 - 2023 thì bây giờ các doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam để khảo sát.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh tới vấn đề thể chế. Theo đó, người lãnh đạo phải là người có trách nhiệm, thực tài; Có năng lực giải trình, ai quyết định, ai chịu trách nhiệm. "10 năm tới, chiến lược đột phá thể chế phải theo kiểu này, chứ không thể ra một số luật, một số nghị quyết, sau đấy dừng ở đó", bà Lan nói.
Cuối tuần qua, tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ: Để hiện thực hóa được khát vọng giàu mạnh, cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ở nước ngoài.
"Việt Nam phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Chúng ta thấy được những mục tiêu đặt ra cho 5 năm, 10 năm, 25 năm tới là hết sức lớn và khó khăn. Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy, tầm nhìn và hành động, phải chuẩn bị tâm thế thật tốt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo. Theo đó, phải chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Có hai việc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải luôn nghĩ đến, đó là huy động cho được các nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Hai nội dung này gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu có cơ chế khơi thông được các nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng trưởng từ 8-9% trong 10 năm tới không phải là một thách thức đối với Việt Nam. Và khi đã tạo được sự bứt phá, động lực này sẽ dẫn dắt động lực khác như một vòng quay không ngừng mở rộng theo vòng tròn doãng ra, đưa quy mô nền kinh tế nhanh chóng tăng lên. Ông Đặng Hồng Anh Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, hùng cường và thịnh vượng, Nhà nước cần có các chính sách để tư nhân phát triển một cách mạnh mẽ, xem phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển. Cần nhấn mạnh rằng chỉ khi có chủ trương và cách nhìn nhận như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới có được những sự thay đổi ứng xử. |
Lê Thúy