Nói về tương lai công nghiệp ô tô Việt sau năm 2018, chuyên gia Nguyễn Thị Xuân Thúy (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương – VIOIT) đề cập đến điểm sáng cơ sở hạ tầng với việc hoàn thiện nhiều tuyến cao tốc liên tỉnh và triển vọng của cao tốc Bắc Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu "dân số vàng", tỷ lệ dân số ở tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Hiện thực hóa ô tô Việt
Xét về dung lượng thị trường ô tô, bà Thúy cho rằng Việt Nam sắp bước vào giai đoạn ô tô hóa (motorization). Trong 5 năm trở lại đây, thị trường có mức tăng trưởng nhanh ở mức 24%. Về tiềm năng xuất khẩu, riêng hồi năm 2017 đã xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô đạt 4,4 tỷ USD.
Cơ hội xuất khẩu sẽ còn gia tăng với những đối tác tiềm năng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…
Trong đó, với AEC, vấn đề sau năm 2018 là sự cạnh tranh giữa xe lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu. Với EVFTA là lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn khá dài, 5-7 năm đối với EU, 7-10 năm đối với Việt Nam. Còn với CPTPP là lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn dài hơn, 7 – 10 năm, đối tác chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Canada.
Vị chuyên gia của VIOIT chỉ ra ba xu hướng sử dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp ô tô Việt trong tương lai. Thứ nhất là cải tiến quy trình hiện có nhằm tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất chế tạo ô tô và quy trình tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp ô tô (ô tô điện, tạo ra phụ tùng linh kiện ô tô bằng công ngệ in 3D…).
Thứ hai là tăng tính tự chủ của ô tô (ô tô tự hành). Thứ ba là tăng tính tự chủ và độc lập của các công đoạn sản xuất để ứng phó với sự phức tạp ngày càng gia tăng của ngành.
Cũng theo bà Thúy, sẽ cần có thời gian để hiện thực hóa những xu hướng này. Nhưng các doanh nghiệp (DN) nội địa đầu ngành phải có sự chuẩn bị. Điều đó đòi hỏi những thay đổi về quản lý quy trình, mô hình kinh doanh, kiến trúc hạ tầng IT, chuỗi giá trị.
Mặc dù vậy, không phủ định những phương thức quản lý quy trình truyền thống, bởi đây chính là nền tảng để đảm bảo cho sự thành công của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công nghiệp ô tô Việt.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là công nghiệp hỗ trợ ở trong nước cho ngành này đến nay vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Số liệu được đưa ra tại hội thảo về công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt tổ chức tại Tp.HCM diễn ra tuần qua cho thấy chỉ có khoảng 300 DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trong cả nước. Bình quân mỗi DN lắp ráp ô tô tại Việt Nam có chưa đến 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình.
Ngành công nghiệp ô tô Việt rất cần những DN nội địa có tiềm lực mạnh |
Chờ công nghiệp hỗ trợ
Vấn đề là để làm ra một chiếc ô tô phải cần 30.000 – 40.000 chi tiết, linh kiện. Trong khi đó, hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện vẫn do các công ty mẹ hoặc các DN nước ngoài cung cấp.
Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô nói riêng và công nghiệp ô tô Việt nói chung đang rất cần những DN nội có tiềm lực mạnh mà công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) được xem như điển hình về một DN nội "nói được và làm được".
Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô của DN này ở Chu Lai (Quảng Nam) đến nay đã đưa vào hoạt động hơn 400ha. Trong đó, phân khu các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô có diện tích 130ha, với 5 nhà máy cùng các dây chuyền sản xuất được đầu tư quy mô theo hướng tự động hóa và quản trị theo hướng số hóa trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, Thaco còn có phân khu các nhà máy công nghiệp hỗ trợ có diện tích gần 90ha, với 15 nhà máy được đầu tư dây chuyền bán tự động, có công nghệ phù hợp và cũng đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ và mở rộng phát triển thêm các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng mới nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành.
Bên cạnh đó, một nhân tố mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt đang được mong đợi chính là Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast được triển khai trên khu đất rộng 335ha tại khu công nghiệp Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng).
Hiện, VinFast đã thỏa thuận xong hợp đồng với các công ty uy tín hàng đầu thế giới trong việc cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị và máy móc cho 5 phân xưởng. Đồng thời còn có một khu công nghiệp phụ trợ riêng để đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trong chuyến thăm khu tổ hợp này hồi giữa tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lạc quan vì lần đầu tiên chúng ta sẽ có thương hiệu ô tô Việt Nam sản xuất trong nước với công nghệ hiện đại, trong đó có các thiết bị rất quan trọng của ngành ô tô.
Điều mong mỏi là để tạo tiền đề cho sự phát triển công nghiệp ô tô Việt sau năm 2018 rất cần chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập. Đặc biệt là định hướng các sản phẩm chiến lược đầu cuối có tỷ lệ nội địa hóa cao, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Sản phẩm đầu cuối này cần đạt một sản lượng đủ lớn để kéo theo sự phát triển của các nhà sản xuất hỗ trợ ở trong nước.
Thanh Loan