Có lẽ vì vậy, để có đáp án thuyết phục nhất, ngày 26/2, Chính phủ đã trực tiếp tổ chức và chủ trì cuộc họp liên quan đến phản ánh của DN trong việc thực hiện Nghị định số 116/2017 và Thông tư 03/2018 của Bộ GTVT về NK ô tô.
Quan điểm còn bất đồng
Đây là cuộc họp khá đặc biệt khi xảy ra tranh luận, bất đồng quan điểm giữa các DN ô tô về điều kiện kinh doanh ô tô. Các quy định kể tới như: quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô NK được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; quy định kiểm định theo từng lô đối với xe NK và quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ô tô.
Cụ thể, ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp vì làm gián đoạn, gây cản trở NK ô tô.
“Hơn thế, việc này làm tăng chi phí và thời gian thông quan, vì vậy ảnh hưởng tới tiến độ giao xe tới tay khách hàng. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất sẽ phải ngừng hoạt động vì quy định đường chạy thử ô tô. Như vậy, Nghị định này đang tạo ra sự phân biệt và chênh lệch giữa sản xuất ô tô trong nước và bên ngoài”, ông Toru nói.
Tổng Giám đốc Toyota kiến nghị cần ban hành chính sách để thu hẹp khoảng cách chi phí giữa ô tô sản xuất trong nước và NK.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, do ảnh hưởng từ Nghị định 116 mà gần 100 xe ô tô đặt hàng từ tháng 6 năm ngoái đến nay không dám nhập về, hiện đang nằm ở một cảng của Mỹ, phải chi hơn 100 USD/ngày để lưu kho, chưa kể chất lượng xe ngày càng giảm. Kiểm nghiệm theo lô, theo ông Dũng, đang gây chi phí tốn kém từ 5.000 – 10.000 USD/lần và phải chờ đợi rất lâu.
“Trước đây, chúng tôi đưa một xe vào kiểm nghiệm, nếu không đạt có thể cho xe chạy 2.000 – 3.000km để đạt đúng điều kiện chạy thực tế và thử lại. Còn theo quy định này thì rủi ro rất lớn vì chỉ được chọn một loại, mà mỗi lô mấy trăm xe về nếu không đạt lại phải tái xuất mà tái xuất đi đâu cũng là vấn đề”, ông Dũng chia sẻ.
Ví dụ, xe ô tô Ford Explorer muốn xuất sang Philippines nhưng tại nước này, đèn tín hiệu phải là màu đỏ trong khi ở Việt Nam phải là màu vàng, nên họ cũng không muốn nhập. “Vậy nên chúng tôi cũng đang vất vả để hủy đơn hàng gần 100 xe trên mà không được”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cũng phàn nàn việc DN không có quỹ đất để mở rộng hơn về đường thử. Hay về tờ khai hải quan điện tử, hiện chỉ chấp nhận tờ khai tối đa đến 100 tỷ đồng và nếu vượt thì phải tách. “Vậy nên thực tế lô xe từ cùng một tàu biển đưa về nhưng vượt giá trị nên phải tách thành 2 lô xe và 2 lần kiểm nghiệm khác nhau chỉ vì hệ thống tờ khai hải quan không phù hợp”.
Trước phản ánh của các DN NK ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), lên tiếng phản biện, cho biết quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại cho xe NK là cả DN sản xuất trong nước cũng phải xuất trình và có từ năm 2016.
Chủ tịch Thaco ví dụ: “Từ tháng 8/2017, Thaco nhận được thư ngỏ của BMW, đến tháng 11/2017, chúng tôi mới được nhận là nhà phân phối. Từ đó đến nay đã nhận được chứng nhận kiểu loại BMW cung cấp cho các mẫu xe của mình đưa về, trong đó có xe Mini của Anh”.
Vì vậy, ông Dương cho rằng tác dụng của giấy chứng nhận chủng loại này như lý lịch của một chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là nói bằng phương thức marketing của các hãng. Có chứng nhận này, người mua có thể biết được xe của họ công nghệ thế nào, được công nhận ra sao.
Về quy định đường thử, Chủ tịch Thaco cho rằng công nghệ xe hiện đã khác nên cần đường thử tối thiểu 800m. “Quy định này nếu nói là áp dụng ngay gây khó khăn cho các thành viên VAMA là không đúng vì phải tới 15/4/2019 mới yêu cầu”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hyundai Thành Công (liên doanh của Hyundai) Lê Ngọc Đức tỏ ra không đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VAMA, mà đồng ý với Thaco.
Ông Đức cho rằng giấy chứng nhận kiểu loại thực sự là hồ sơ thể hiện tất cả thông số về một chiếc xe để đảm bảo an toàn vận hành, hoạt động.
Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cũng cho rằng việc thử nghiệm theo từng lô là điều cần thiết. Các thương hiệu lớn như Volkswagen cũng vẫn phát hiện sai phạm, gian lận. Vậy nên, nếu chỉ kiểm nghiệm lô đầu tiên thì lấy gì đảm bảo những lô sau đó tốt, trong khi DN sản xuất lắp ráp trong nước, cái nào cũng phải kiểm nghiệm, kiểm nghiệm từ thiết bị nhập về, từ cái la-răng cho tới khi hoàn thiện xe.
“Số phận” của Nghị định 116 và Thông tư 03 sẽ được Chính phủ quyết định sớm nhất trong cuối tuần này hoặc đầu tuần sau
Sẽ giải quyết “thấu tình đạt lý”
Trong khi cộng đồng DN vẫn tranh luận gay gắt về các điều kiện mà Nghị định 116 đưa ra, đại diện cho cơ quan quản lý – một trong những “tác giả” của Nghị định, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phân trần để xây dựng được Nghị định, Thủ tướng đã lập tổ chuyên ngành về ô tô, trong đó có cả VAMA, đi làm việc với từng DN cụ thể.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định mục tiêu của Nghị định 116 là phải bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Việt Nam có hơn 90 triệu dân nên mong muốn có được một ngành công nghiệp ô tô là quyền lợi tất yếu.
“Mỹ có GM, Ford; Nhật có Toyota, Mazda; người Việt Nam cũng rất mong muốn mình có được một thương hiệu ô tô tốt như vậy”, ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá Nghị định 116 cơ bản tốt, đồng thuận nhưng quá trình tham chiếu có thể chưa đồng nhất ngay. Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với một số DN của Mỹ, trong đó có Ford để đối thoại thẳng thắn và tháo gỡ khó khăn.
“Quan điểm của Bộ GTVT theo chỉ đạo của Chính phủ là sẽ đồng hành cùng DN, lắng nghe, cầu thị chứ chắc chắn không tạo khó khăn cho DN. Đây là một quá trình chuyển đổi mà ta phải ngồi với nhau, cùng chịu khó một chút, trong vòng 4 – 5 tháng để hoàn thiện quy định, thủ tục”, ông Thọ nhấn mạnh.
Sau khi lắng nghe 16 ý kiến liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc và đưa ra giải pháp sớm nhất trên tinh thần “thấu tình đạt lý”, đồng thời cũng đảm bảo các yêu cầu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: “Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, lắng nghe và đề xuất với Thủ tướng trên nguyên tắc thông lệ quốc tế và chính sách của Việt Nam”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết sẽ không có kết luận ngay tại cuộc họp này mà tiếp thu nghiêm túc và đưa ra giải pháp sớm nhất trong cuối tuần này hoặc đầu tuần sau để xem xét từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03.
Lê Thúy
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam sẽ phát triển một nền công nghiệp ô tô để từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, thay đổi bằng chính sách thuế chứ không phải chính sách hành chính, rào cản bất hợp lý. Như hãng xe Ford nói là kiểm nghiệm từng lô làm phát sinh chi phí thêm 10.000 USD là rất đáng suy nghĩ, phải xem xét. Tránh việc người ta hiểu là chúng ta tạo ra những điều kiện, rào cản để co kéo lợi ích. Bà Phạm Ngọc Thủy - Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Đánh giá về tính vĩ mô, tinh thần Nghị định 116 đang đi đúng hướng, thể hiện quan điểm rõ ràng với việc xây dựng sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng xe và ổn định dòng vốn cho sản xuất. Tuy nhiên, chính sách phải đồng bộ để thống nhất thúc đẩy khối sản xuất, chú trọng hơn khâu truyền thông chính sách để tạo nhận thức thống nhất, tránh những luồng ý kiến độc lập mà không thể dung hòa được với nhau. Ông Trần Bá Dương -Chủ tịch HĐQT Thaco
Chúng tôi không xin sự bảo hộ, ưu đãi mà xin thực hiện đúng theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ. Chúng tôi ủng hộ chính sách khuyến khích, bảo vệ sản xuất trong nước của Việt Nam cũng tương tự như quan điểm của Mỹ. Với sự tự trọng của tôi, tôi khẳng định không xin ưu đãi và Nghị định 116 không ưu đãi một cái gì cho DN sản xuất trong nước. |