Thị trường ô tô NK những ngày qua đã đón nhận nhiều tin vui. Hãng Honda Việt Nam vừa công bố nhập lô 2.000 chiếc ô tô với thuế suất 0% từ Thái Lan về, trong đó, loại xe ăn khách CRV giảm giá gần 200 triệu đồng so với thời điểm 1 tháng trước. Điều này làm dấy lên tâm lý chờ đợi của người dân và đồn đoán giá xe sẽ tiếp tục cuộc đua “dìm nhau xuống đáy” thời gian tới.
Nhập khẩu sẽ sôi động
Không chỉ Honda mà cả các nhà NK khác như Toyota, Ford cũng đang hoàn thành thủ tục nhập ô tô theo Nghị định 116 và sẽ chính thức nhập xe hưởng thuế 0%.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tuần gần nhất (2 – 8/3) đã có hơn 2.000 xe ô tô nguyên chiếc NK vào Việt Nam, trong đó có 1.981 xe dưới 9 chỗ ngồi.
Bên cạnh lô xe của Honda, các loại xe có xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ, Anh cũng vượt rào để về Việt Nam, mặc dù số lượng còn ít.
Bộ GTVT cũng cho biết lượng xe NK về Việt Nam có thể sẽ trở lại bình thường trong thời gian tới khi các hãng xe trình được các giấy chứng nhận kiểu loại và bản thân Bộ GTVT đang nắm trong tay nhiều loại giấy này của các hãng xe.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã xác nhận có rất nhiều mẫu giấy chứng nhận và giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại: như mẫu giấy chứng nhận kiểu loại ô tô do Chính phủ Thái Lan cấp cho Ford Ranger.
Bộ GTVT xác nhận mẫu giấy chứng nhận an toàn do nhà sản xuất Ford Mỹ tự phát hành, mẫu giấy chứng nhận khí thải cấp bởi VCA UK cấp cho xe Ford Explorer sản xuất tại Mỹ đến Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ đã xác nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Chính phủ Thái Lan cấp cho ô tô CRV sản xuất tại Thái Lan xuất khẩu đến Việt Nam.
“Như vậy, về cơ bản đã có những giấy chứng nhận do cơ quan thuộc chính phủ cấp, nhà sản xuất tự phát hành hoặc tổ chức thứ ba được cơ quan chính phủ thừa nhận”, ông Thọ cho biết.
Tin vui đối với các hãng xe nhập, nhưng có thể là nỗi lo của ngành ô tô trong nước. Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng nếu Việt Nam cởi mở trong việc nhập xe, ngành công nghiệp xe hơi sẽ khó thành hiện thực. Lắp ráp sản xuất ô tô tại Việt Nam không lợi bởi công nghiệp phụ trợ kém phát triển, các hãng xe ngoại đã đầu tư nhà máy ô tô tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia để nhập về Việt Nam bán.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đầu năm 2018 khi xe nguyên chiếc NK từ ASEAN về Việt Nam có thuế suất bằng 0%.
Trong khi đó, xe do DN trong nước lắp ráp, sản xuất vẫn phải chịu thuế NK đối với linh kiện bên cạnh việc tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp. Từ đó dẫn đến việc xe trong nước có thể có giá bán cao hơn xe NK từ Thái Lan, Indonesia.
“Thực tế này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh, đe doạ sự tồn tại, phát triển của ngành sản xuất ô tô nội địa trong bối cảnh mở cửa thị trường và người tiêu dùng có quyền quyết định mua xe từ nhiều nguồn khác nhau”, bà Thúy nhận định.
Công nghiệp ô tô trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu xe nhập ồ ạt vào
Ô tô nội sẽ ra sao?
Bất lợi hơn đối với các DN lắp ráp ô tô trong nước khi mới đây trong dự thảo sửa đổi các luật thuế mới nhất, Bộ Tài chính đã bác đề xuất trước đó của Bộ Công Thương không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe con lắp ráp trong nước.
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án, trong đó khuyến nghị thực hiện việc áp dụng giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).
Bộ này lý giải: Đề xuất miễn thuế TTĐB với linh kiện sản xuất trong nước là chưa phù hợp với Quy tắc đối xử quốc gia (NT) trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (cấm các nước có các khoản thuế bảo hộ hàng nội địa hoặc có các quy tắc phân chia một phần tỷ lệ nội địa).
Trước đó, Bộ Công Thương cho rằng quy định thuế TTĐB với ô tô con hiện hành chưa thực sự khuyến khích các DN nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng NK.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất không tính thuế TTĐB với phần linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước; khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa.
Đặc biệt, về quan điểm Việt Nam có cần phát triển ngành công nghiệp ô tô hay không, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng: “Chỉ mấy triệu dân cũng phải có một ngành công nghiệp, và đây là ngành công nghiệp ô tô, đầu tiên đó là quyền lợi chính đáng của 100 triệu người dân.
“Như mọi người nói về tự hào thương hiệu quốc gia, chúng tôi rất mong muốn như Mỹ là có General Motors, có Ford. Tương tự như vậy, người Nhật có Toyota, Honda và rất nhiều sản phẩm khác. Là công dân Việt Nam, chúng tôi cũng rất mong muốn Việt Nam cũng phải có một thương hiệu về ô tô. Đó là một mong muốn hoàn toàn chính đáng”, ông Hải nói.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước, nhưng ở mức độ nào đó vẫn phải thực hiện việc thúc đẩy ngành sản xuất trong nước”.
Như vậy, Việt Nam rất cần phải có một ngành ô tô nhưng làm thế nào để ngành công nghiệp ô tô sống khỏe trong hội nhập không chỉ phụ thuộc vào sự chủ động của các hãng xe, mà cần có chính sách hợp lý của Chính phủ.
Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải có chiến lược chắc chắn để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi trong nước chứ không thể để DN NK xe ồ ạt vào Việt Nam.
Cụ thể, chính sách nên đưa ra quy định hãng xe ngoại lắp ráp tại Việt Nam, sản xuất những linh kiện đạt chuẩn sẽ được miễn thuế VAT trong vòng 10 năm để kích thích đầu tư thay vì loay hoay trong việc siết NK như trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia, trong nỗ lực xây dựng một chiến lược mới cho ngành công nghiệp quan trọng này phải xây dựng được các gói chính sách thực hiện nội địa hóa trong sản xuất linh kiện ô tô, sao cho giảm được chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá ô tô đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng để duy trì hoạt động, tiến tới phát triển ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.
Lê Thúy
Ông Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Nguyên liệu nhập để sản xuất linh kiện xuất khẩu đã được miễn thuế nhưng nhập nguyên liệu về làm linh kiện để bán cho DN ô tô nội địa lắp ráp lại bị đánh thuế. Vì vậy, chính sách thuế bất cập hiện nay đang làm cản trở công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành phụ trợ cho ô tô. Ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam Các rào cản thắt chặt NK xe ô tô tại Nghị định 116 chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định. Thay vào đó, để phát triển nền sản xuất ô tô trong nước, Nhà nước cần giảm thuế để chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ, khi đó cả Nhà nước và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Ông Nguyễn Minh Đồng - Chuyên gia ô tô
Thị trường Việt Nam trên 90 triệu dân mà mới có 2 triệu xe hơi là điều mà nhà sản xuất nào cũng mong muốn chiếm lĩnh. Các DN sản xuất xe thấy nơi nào làm với giá thành rẻ hơn thì sẽ chuyển nhà máy tới. Tuy nhiên, để có ngành công nghiệp ô tô trong nước, Việt Nam cần miễn thuế VAT cho các linh kiện sản xuất trong nước, khuyến khích lắp ráp nội địa. |