Trong tháng 8 này, theo dự kiến Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp.HCM Susan Burns sẽ có chuyến thăm nhà máy ABC Bakery ở quận Bình Tân (Tp.HCM) và cùng “vua bánh mì” Kao Siêu Lực giới thiệu dòng bánh Trung thu Mỹ - Việt.
Luôn chủ động với tâm thế sẵn sàng
Mùa lễ Trung thu năm nay, nhà máy nêu trên sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng những chiếc bánh trung thu đặc biệt, kết hợp giữa các nguyên liệu hảo hạng của Mỹ như việt quất, hạnh nhân, kem phô mai, và trái thanh long Việt Nam.
Các DN nhỏ và vừa trong ngành F&B cần tận dụng lợi thế chế biến sản phẩm từ sản vật bản địa để thúc đẩy XK. |
Cách đây không lâu, với góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành hàng F&B ở Việt Nam, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery, từng chia sẻ với VnBusiness rằng, phía Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM có mời ông sang Mỹ làm việc với ngành nông nghiệp của nước này nhằm hỗ trợ khâu chế biến một số loại bánh từ nguồn nguyên liệu nông sản của Mỹ.
Và chiếc bánh Trung thu sử dụng các nông sản của Mỹ như trái việt quất, hạnh nhân đã hiện thực hóa cho điều đó. Theo ông Lực, việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ cũng là điều mà công ty ông đang nhắm tới. Và công ty đang lấy nguồn nguyên liệu nông sản Việt kết hợp với nông sản Mỹ để chế biến những sản phẩm mới nhằm chinh phục người tiêu dùng Mỹ.
Việc một DN trong ngành hàng F&B có những sáng tạo trong việc chế biến các loại bánh từ nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước để thúc đẩy xuất khẩu (XK) như vậy là rất đáng khích lệ.
Giới chuyên gia cho rằng, tiềm năng XK của các DN trong ngành hàng F&B ở Việt Nam là rất lớn nếu như các DN có được những sản phẩm chế biến mới có độ hấp dẫn và tính cạnh tranh cao. Cơ hội cho DN ở ngành hàng này còn đến từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như “cánh cửa” XK trực tuyến.
Tuy nhiên, theo ông Kao Siêu Lực, điều quan trọng là các DN cần luôn ở tâm thế sẵn sàng để một khi đối tác đưa ra các yêu cầu về đơn hàng thì DN hoàn toàn có thể đáp ứng tốt một cách nhanh chóng các yêu cầu đó.
Cũng là một DN trong mảng bánh kẹo thuộc ngành hàng F&B, nói về hoạt động XK của công ty, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Bibica, cho biết điều kỳ vọng trong 1 - 2 năm là tỷ trọng XK sẽ chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu của công ty.
Và để thúc đẩy XK nhiều hơn, theo ông Hoàng, điều đó đòi hỏi yếu tố tích cực chủ động hơn từ bản thân công ty. Chẳng hạn trước đây công ty chưa chú trọng nhiều đến XK thì khách hàng nước ngoài tìm đến công ty là chủ yếu, còn bây giờ công ty sẽ chủ động hơn, gia nhập vào các sàn thương mại điện tử có tính toàn cầu và tham gia vào một số hội chợ quốc tế để tìm kiếm thêm các đầu mối khách hàng nước ngoài.
Chọn lợi thế để cạnh tranh
Như chia sẻ của vị Tổng giám đốc này, có hai con đường chính để DN bánh kẹo đẩy mạnh XK. Con đường thứ nhất là mở rộng thêm các đầu mối (đây là điều mà công ty đang làm). Con đường thứ hai sẽ khó hơn là phải tìm cho được sản phẩm bánh kẹo là thế mạnh của DN để XK. Tức là DN sẽ kết hợp với một số loại nông sản Việt để đưa vào chế biến sản phẩm bánh kẹo mới phục vụ cho XK, còn nếu chỉ là sản phẩm bánh kẹo thông thường sẽ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nói về yếu tố cạnh tranh, ông Hoàng lưu ý khi sản xuất bánh kẹo để XK thì giá đường cao ở trong nước là một bất lợi (chẳng hạn như so với giá đường của Malaysia, Indonesia), còn chất béo lại phải nhập khẩu 100%, nguyên liệu trứng gà thì mua trong nước nhưng gà lại ăn thức ăn có nguồn gốc nhập khẩu. Cho nên nói về lợi thế đầu vào để cạnh tranh XK thì DN khó có lợi thế.
“DN bắt buộc phải chọn lợi thế là gia tăng được quy mô để có chi phí sản xuất thấp. Bên cạnh đó, DN sẽ kết hợp thêm những nông sản đặc trưng của Việt Nam để tạo những sản phẩm mà khách hàng nước ngoài ưa chuộng”, vị Tổng giám đốc của Bibica bộc bạch.
Xét về một trong những “con đường sáng” cho các DN nhỏ và vừa trong nước XK ở ngành hàng F&B hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng với tiềm lực còn khiêm tốn của mình thì các DN này nên thúc đẩy mạnh hơn qua kênh XK trực tuyến khi đây vừa là xu hướng vừa là cơ hội. Lợi thế của việc XK trực tuyến trong lĩnh vực này là các sàn thương mại điện tử phân phối không bị giới hạn về thời gian và không gian, từ đó giúp các DN có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, trên thị trường F&B quốc tế, xu hướng của người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản vật bản địa, những sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hoặc có các thành phần tốt cho sức khỏe. Đó cũng là cơ hội cho DN Việt phát huy lợi thế của mình trước xu hướng này.
Chẳng hạn như ở một triển lãm quốc tế về ngành hàng thực phẩm và đồ uống diễn ra mới đây ở Tp.HCM thu hút khá nhiều nhà thu mua quốc tế trong ngành hàng F&B, nhân cơ hội này một số DN trong nước đã mang các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh là được chế biến từ sản vật bản địa để tiếp cận các nhà thu mua này.
Như chia sẻ của bà Đặng Võ Hoàng My, Trưởng bộ phận Marketing Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới (Bến Tre): "Thông qua sự kiện như vậy chúng tôi đã giới thiệu các sản phẩm sữa dừa, nước cốt dừa, bơ dừa và nước cốt dừa đóng lon, cùng với các sản phẩm nước dừa tươi đóng lon kết hợp với nhiều loại trái cây. Những sản phẩm này đã đạt được các chứng nhận quốc tế uy tín. Chúng tôi đặt kỳ vọng tìm kiếm thêm đối tác từ các thị trường như Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác".
Trên thực tế, công ty của bà My thời gian qua đã chế biến không chỉ vài sản phẩm, mà có đến hàng chục loại sản phẩm từ trái dừa. Điều đặc biệt, những sản phẩm này đã XK đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ có cách làm riêng biệt nhờ nghiên cứu sáng tạo và đầu tư công nghệ để tạo ra sự khác biệt.
Nói chung, khi mà thị trường F&B trong nước đang gặp nhiều thách thức do thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng thì việc nhắm đến XK là điều mà các DN trong ngành hàng này nên thúc đẩy nhiều hơn dù có thể gặp không ít khó khăn bước đầu. Vấn đề quan trọng là họ cần tìm ra “con đường sáng” cho chính DN của mình trên chặng đường XK trong thời gian tới.
Thế Vinh