Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT CTCP Chế biến gỗ Đức Thành cho biết, công ty đã từng có 30 chủng loại sản phẩm xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ. Cũng giống như các doanh nghiệp (DN) khác trong ngành, công ty đã gặp không ít khó khăn về mặt XK trong bối cảnh suy giảm chung từ nhiều nguyên nhân khách quan.
Doanh nghiệp gỗ dần thấy lạc quan
Tuy nhiên, theo bà Liễu, gần đây, dấu hiệu có vẻ bắt đầu lạc quan. Cụ thể là công ty dần dần có đối tác tiếp tục đặt hàng, hỏi hàng và công bố luôn số lượng sẽ dự định đặt hàng trong tương lai…
“Thế nhưng rõ ràng chưa thể trở lại được như cũ. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn khá lạc quan. Bởi vì hiện nay, các đơn vị hỏi hàng đang chuyển từ nhà cung cấp Trung Quốc sang các quốc gia khác khá nhiều. Doanh số sụt giảm là do bối cảnh khó khăn chung, chi tiêu của người dân đang được thắt chặt vì đời sống khó khăn. Và một khi tình hình bình ổn trở lại thì nhu cầu thị trường rất lớn”, Chủ tịch Gỗ Đức Thành chia sẻ.
Để thoát cảnh thụt lùi đòi hỏi các DN trong những ngành hàng XK chủ lực cần có “cú chuyển mình” từ việc nhanh chóng tìm ra nút thắt và thích ứng tốt hơn. |
Tương tự, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiện đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như tại thị trường Mỹ. Điều quan tâm trong lúc này là các DN trong ngành cần phát triển theo hướng đi bền vững, đáp ứng các yêu cầu từ phía thị trường.
Theo ông Lập, Bộ NN&PTNT cần tổ chức đàm phán nhằm thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững thì đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới. Đồng thời, hướng tới cam kết “net zero” trong ngành gỗ thì cần thí điểm mô hình phát triển DN theo hướng kinh tế xanh.
Số liệu mới đưa ra từ Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ là 7,8 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ mới đạt 46% kế hoạch năm. Nguyên nhân sụt giảm là do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị trên thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt.
Để cải thiện tình hình XK cho ngành gỗ trong các tháng tới, ông Nguyễn Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này sẽ nỗ lực kết nối với các thị trường, đặc biệt là thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, đây là những thị trường khó tính, đòi hỏi gắt gao về các tiêu chí xanh, bền vững, nên các DN trong ngành cần hết sức lưu ý để giữ vững thị trường và phát triển thương hiệu.
“Nhanh chóng tìm ra nút thắt và thích ứng tốt hơn”
Còn với XK dệt may, theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dù đối mặt nhiều thách thức về mặt XK, nhưng các DN trong ngành đã “nhanh chóng tìm ra nút thắt và thích ứng tốt hơn”. Đó là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa các dòng sản phẩm thay cho việc chuyên môn hóa sản phẩm như trước đó.
Đồng thời, các DN dệt may cũng chú trọng nhiều hơn trước yêu cầu về “xanh hóa” từ thị trường. DN cũng đã thích ứng rất nhanh với các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn và yêu cầu chất lượng khắt khe hơn.
Chính vì vậy, ông Giang tin rằng, XK dệt may có thể sẽ đạt kim ngạch 40 - 41 tỷ USD trong năm nay. So với con số kim ngạch XK dệt may sụt giảm ở mức 17,6% tính đến hồi cuối tháng 6/2023 thì một tháng sau đó, tình hình đã cải thiện và mức sụt giảm chỉ còn 14%. Đây là một tín hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, cần để mắt đến số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy, dệt may Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 5,7% thị phần toàn cầu, trong khi Bangladesh nhỉnh hơn với 6,5%. Điều này đã thể hiện rõ đây là môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi các quốc gia khác cũng đang nỗ lực hết sức để gia tăng thị phần.
Nhận định về vấn đề thúc đẩy XK dệt may trong thời gian tới, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT) nhấn mạnh, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, việc các đối tác quốc tế ngày càng quan tâm cũng như khả năng thích ứng của các DN gần đây tăng cao cho thấy ngành dệt may Việt vẫn còn cơ hội để vượt qua thách thức.
Theo ông Tùng, việc đa dạng hóa thị trường tập trung vào tính bền vững và sự hỗ trợ từ Chính phủ có thể góp phần vào tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong XK dệt may Việt Nam vào các tháng cuối năm nay.
“Ngành dệt may đang dịch chuyển theo hướng xanh hóa, tập trung mạnh vào sản xuất nguyên liệu thô từ các nguồn tái chế hoặc hữu cơ. Người tiêu dùng, các thương hiệu và cơ quan quản lý ngày càng yêu cầu các sản phẩm phải được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường. Cú chuyển mình này đang thúc đẩy những thay đổi đáng kể trong ngành và các công ty không thích ứng kịp có nguy cơ bị tụt hậu”, vị chuyên gia của RMIT lưu ý.
Không chỉ với đồ gỗ và dệt may, những nhóm hàng thuộc lĩnh vực XK chủ lực đã và đang đối mặt nhiều khó khăn trong thời gian qua và khó tránh chuyện thụt lùi. Như số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm ở mức hai con số: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 18,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,4%; hàng dệt may giảm 15,1%; giày dép các loại giảm 17,1%; thủy sản giảm 25,4%; cao su giảm 18%...
Cho nên, trước mối lo cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trên thị trường quốc tế, để thoát cảnh thụt lùi đang đòi hỏi các DN trong những lĩnh vực XK chủ lực cần có “cú chuyển mình” từ việc chắt chiu từng đơn hàng, có các sáng kiến bền vững, đáp ứng những tiêu chuẩn xanh, thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… Để từ đó có thể biến những bất lợi thành cơ hội, biến nguy cơ thành thời cơ.
Hơn nữa, về phía các cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục hỗ trợ cho các DN trong những ngành hàng chủ lực tận dụng tốt các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh XK hơn nữa.
Thế Vinh