Trong đánh giá mới nhất vào đầu tháng 8/2023 về hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) - một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BSC kỳ vọng các tháng cuối năm nay, VHC sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với nửa đầu năm nay.
“Cưỡi trên con sóng phục hồi”
Điều này nhờ vào nhu cầu hồi phục thị trường Mỹ rõ rệt từ cuối quý 3/2023. Cụ thể, tồn kho cá da trơn size nhỏ (size cá tra) tại Mỹ trong tháng 7/2023 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 22% so với giai đoạn đầu năm nay và tương đương tháng 7/2021. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng ăn uống (kênh nhà hàng chiếm 70% lượng tiêu thụ cá tra).
XK thủy sản trong 5 tháng cuối năm nay sẽ đi theo “kịch bản” nào vẫn đang là dấu hỏi ở phía trước. |
Kể cả trong quý 2/2023 cũng cho thấy, VHC có sự hồi phục ở thị trường Mỹ về cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu (XK). Cụ thể, giá cá tra XK đi Mỹ bình quân là 3,7 USD/kg (tăng 12% so với quý trước đó), sản lượng XK ước tính tăng 20% so với quý 1/2023.
Ngoài ra, theo BSC, xu hướng tái thả nuôi thấp ở đầu quý 2/2023 ảnh hưởng đến nguồn cung cá tra trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu 2024. Xu hướng tái thả nuôi thấp là do giá cá tra nguyên liệu khoảng 26.500 đồng/kg (mức thấp nhất kể từ 2022) giảm mạnh trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, gây lỗ cho người dân. Việc tái thả nuôi thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn cung ở cuối 2023 và đầu 2024, hỗ trợ cho giá cá tra XK tăng trở lại.
Còn với một DN hàng đầu trong mảng XK tôm là CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), xu thế phục hồi có thể thấy rõ trong tháng 7/2023 khi doanh số đạt 21,3 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 18% so với tháng 6/2023.
Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, cho rằng trong quý 3 này các DN thủy sản trên đà tăng tốc với hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững.
Ngoài kỳ vọng, tín hiệu khả quan cho hai DN xuất khẩu hàng đầu như trên trong ngành hàng cá tra và tôm, với XK thủy sản nói chung trong 5 tháng cuối năm nay, giới chuyên gia có ví von là “cưỡi trên con sóng phục hồi”. Theo đó, nhu cầu được dự báo sẽ hồi phục ở hai thị trường hàng đầu là Mỹ (nhờ dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát) và Trung Quốc (nhờ vào kinh tế phục hồi).
Tuy vậy, với thị trường Mỹ, có ý kiến cho rằng “cuộc chiến” chống lạm phát dù đã được các bước đáng kể nhưng vẫn chưa thể kết thúc trong các tháng cuối năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của người tiêu dùng Mỹ đối với cá tra Việt Nam.
“Kịch bản” nào cũng cần doanh nghiệp nỗ lực
Còn với thị trường Trung Quốc, XK thủy sản của Việt Nam vào thị trường này trong tháng 7/2023 cho thấy tín hiệu phục hồi rõ rệt, nhất khi tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 180 triệu USD.
Các DN thủy sản Việt kỳ vọng tiếp tục tăng tốc XK vào quốc gia này trong các tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, các DN cũng cần thận trọng trước những dự báo cho thấy kinh tế Trung Quốc dù có phục hồi nhưng vẫn hết sức mong manh.
Một số nhà phân tích dự báo rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không như kỳ vọng trong các tháng tới có thể làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điều đó cũng làm ảnh hưởng đến XK thủy sản vào thị trường chủ lực này.
Xét về tình hình XK thủy sản hiện nay, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), riêng trong tháng 7/2023, ước đạt 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, XK tôm giảm 10% đạt khoảng 345 triệu USD, cá tra đạt 150 triệu USD, giảm 20%, cá ngừ giảm nhẹ 3% và các loại cá khác giảm 12% so với tháng 7/2022.
Nếu tính chung trong 7 tháng qua, XK thủy sản đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là cá tra (giảm 36%), tôm và cá ngừ giảm 27%.
Mới đây nhất, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Vasep, có đưa ra 2 kịch bản cho triển vọng XK thủy sản những tháng cuối năm 2023. Theo đó, kể cả với kịch bản thuận lợi (kỳ vọng lớn nhất là thị trường Trung Quốc) thì tổng kim ngạch XK thủy sản cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022.
Còn với kịch bản kém thuận lợi (do khó cạnh tranh về giá và nguồn cung so với các đối thủ khác) thì XK thủy sản có thể chỉ mang về khoảng 8,5 – 8,7 tỷ USD. Trong đó, tất nhiên, sụt giảm sâu nhất vẫn nằm ở 2 ngành hàng cá tra và tôm.
Như vậy, mặc dù có những kỳ vọng sáng sủa hơn đối với các DN, nhưng XK thủy sản trong các tháng tới sẽ đi theo kịch bản nào vẫn còn là dấu hỏi ở phía trước. Và dù là kịch bản lạc quan hay kém lạc quan thì vẫn đòi hỏi sự nỗ lực tốt nhất từ phía các DN.
Như chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, điều quan trọng là các DN thủy sản trong nước cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, trên cơ sở phải giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Để từ đó có thể XK mạnh trong giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó, ông Hòe lưu ý cần phải có các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở làm sao mở rộng được thị trường. Đặc biệt là với thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Bởi vì rõ ràng đây là thị trường có sức phục hồi tương đối nhanh trong thời gian tới.
Không những vậy, theo vị Tổng thư ký Vasep, các DN cần tiếp tục củng cố về mặt chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, cũng như các vấn đề về kinh tế xanh. Để trên cơ sở đảm bảo được thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới một cách liên tục. Có như vậy sẽ giữ được vị thế XK thủy sản của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Thế Vinh