Những ngày gần đây, hình ảnh mít thái "giải cứu" bán với giá 15.000 đồng/kg lại xuất hiện ở TP.HCM. Nguyên nhân giá mít giảm là do các nhà vườn thu hoạch rộ, thương lái ép giá. Trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng, vấn đề đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Lo 'tắc đường' sang Trung Quốc
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết, diện tích mít gia tăng quá nhanh, không chỉ miền Tây mà cả ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trong khi tiêu thụ phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Vinamit đang xúc tiến xuất khẩu trái mít sang EU nhưng bị vướng thời gian vận chuyển quá dài.
Làm sao đẩy mạnh tiêu thụ được trái vải thiều trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng đang là vấn đề được quan tâm. |
Hay ở Nghệ An - đang bước vào vụ thu hoạch dưa hấu nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 nên giá dưa hấu rớt từ 8.000 đồng/kg xuống còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá thấp là vậy nhưng vẫn không có người mua, nông dân buộc phải bán lẻ từng quả, hàng nghìn tấn dưa hấu của người dân đang nằm ruộng chờ người thu mua.
Thông tin mới nhất từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho thấy, 3 nước láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc, Lào, Campuchia đều có khả năng tiếp tục siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch ở các cửa khẩu biên giới đường bộ, gây ảnh hưởng tới lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.
Thông tin này không chỉ khiến người trồng dưa hấu, mít thái lo lắng, mà những loại trái cây sắp đến vụ thu hoạch như vải, nhãn cũng cần chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản tiêu thụ. Chưa kể, theo TS. Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, thị trường này mới chỉ cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu, trong khi Thái Lan đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu 22 loại trái cây.
Mặt khác, một số chủng loại sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự đang tiêu thụ tại Trung Quốc và với các sản phẩm nông sản cùng loại do chính Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng để chủ động đa dạng nguồn cung cho thị trường nội địa.
Trong khi đó, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử để có thể thâm nhập sâu hơn, có độ “phủ sóng” cao hơn trong thị trường tiêu dùng nội địa của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Trước thực trạng trên, cùng với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp những ngày qua, trong khi mùa vụ thu hoạch nhiều loại trái cây đang đến gần, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương sẽ có nhiều giải pháp để tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản.
Linh hoạt ứng phó
Cụ thể, để tìm đầu ra cho trái vải thiều Hải Dương, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với địa phương này tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021, dự kiến diễn ra vào ngày 18/5 tới.
Do trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, nên sự kiện này sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài ở Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước ngay cả khi dịch bệnh bùng phát.
Cục Xúc tiến thương mại cũng cần hỗ trợ và đôn đốc các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19.
Riêng với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc miễn kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên nông thủy sản, thực phẩm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt có trách nhiệm rà soát lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ quả, thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ.
Đồng thời, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch COVID-19.
Đặc biệt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần chủ trì, tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tham tán, trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, đất nước càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì sẽ khó tránh bị ảnh hưởng trước những biến động tưởng chừng ở đâu đó trên toàn cầu. "Một đất nước trên thế giới phát triển kinh tế mạnh thì Việt Nam cũng có cơ hội để xuất khẩu, nhưng cũng đất nước đó nhưng kinh tế suy thoái vì tác động của đại dịch COVID-19 chẳng hạn, thì tất nhiên chúng ta cũng chịu tổn thương vì không xuất được hàng", ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những biến động dù là lớn hay nhỏ trên thế giới đều có thể tác động trực tiếp tới từng hạt lúa, trái xoài, con cá tra... của Việt Nam. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần linh hoạt, vận động để tìm ra giải pháp vừa chống chịu được các rủi ro mà vẫn có thể phát triển, đứng vững hơn.
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |