Tất nhiên, việc "dọa kiện" là câu chuyện vui mà ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Ameii Việt Nam - một trong 3 doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản chia sẻ tại tọa đàm "Câu chuyện thành công của vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản" do Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức sáng ngày 15/7.
Hành trình 5 năm và còn tiếp diễn
Nói về quá trình để quả vải Việt Nam có thể xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, đó là hành trình 5 năm với nhiều lần đàm phán, xem xét. Đã 3 lần ông phải đưa nhà nhập khẩu của Nhật Bản về Việt Nam kiểm tra thực tế, tận mắt nhìn thấy vườn vải, cách canh tác của nông dân. Đó là một quá trình không hề dễ dàng.
Quả vải thiều Việt Nam bán đắt hàng tại Nhật Bản (Ảnh: TL) |
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Ameii Việt Nam, chia sẻ khi nhận được thông tin doanh nghiệp (DN) của mình được Bộ NN&PTNT lựa chọn trở thành đơn vị XK trái vải thiều sang Nhật, ông rất mừng nhưng đi kèm là lo lắng.
Trước đó, Ameii cũng đã XK nhiều loại nông sản, trái cây của Việt Nam sang Nhật và cũng đã có một số lần phải "trả giá, nếm trái đắng" tại thị trường Nhật Bản do sản phẩm không đạt chất lượng.
Ông Tiến chia sẻ: "Yêu cầu đầu tiên của thị trường Nhật Bản là chất lượng. Chúng ta thường nói đây là thị trường khó tính, nhưng một khi đáp ứng được các tiêu chuẩn mà họ đưa ra, sản phẩm Việt Nam có thể đi đến bất cứ thị trường nào".
"Trước khi nhập khẩu quả vải từ Việt Nam, đối tác phía Nhật Bản liên tục đặt câu hỏi với chúng tôi rằng chất lượng quả vải có đạt không, bao giờ có thể giao được hàng? Điều đó cho thấy giá thành không phải là vấn đề quan trọng nhất mà phía Nhật Bản quan tâm", ông Tiến chia sẻ.
Bởi vậy, đại diện Ameii cho biết, DN luôn rất chú trọng tới khâu kiểm tra chất lượng. Sau khi mua nguyên liệu từ nông dân, đem về chế biến, có lô hàng, DN phải loại bỏ sản phẩm hỏng, thối tới 30 - 40%. "Chúng tôi xác định làm ăn với thị trường Nhật Bản là phải đi đường dài", ông Tiến nói.
Về phía nông dân, ông Lục Văn Bích, hộ trồng vải Lục Ngạn (Bắc Giang), cũng chia sẻ sản xuất để XK vải sang Nhật Bản đòi hỏi phải theo quy trình, đạt tiêu chuẩn chất lượng qua nhiều công đoạn. So với phương thức cũ, nông dân vất vả hơn nhiều nhưng đổi lại là đầu ra bán được giá.
Vì vậy, ông Bích mong muốn, những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Giang cần mở rộng vùng trồng, sớm cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc để DN biết đến. Đồng thời, kiến nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn cho nông dân quy trình sản xuất. Làm theo quy trình mới, chất lượng và sản lượng quả vải sẽ tăng so với cách làm cũ.
Có thể nói, sau khi XK sang Nhật, quả vải Việt Nam đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía người tiêu dùng nước này. Tuy nhiên, điều đó đặt ra thách thức trong thời gian tới là làm sao tăng sản lượng quả vải xuất sang Nhật, mở rộng thị trường tại xứ sở Mặt trời mọc.
Giữ uy tín chất lượng
Quay trở lại câu chuyện của công ty Ameii, ông Tiến cho biết, có lô hàng vải thiều vừa qua đến Nhật bày trên quầy kệ siêu thị 2 tiếng sau đã hết veo. Vì vậy, nhà nhập khẩu nói đùa sẽ "kiện" Ameii vì XK hàng ngon quá, họ muốn bán tiếp nhưng không còn hàng xuất sang!
"Bên cạnh các hợp đồng đã ký kết trước, còn có thêm 10 đề nghị từ phía nhà nhập khẩu Nhật Bản bán vải cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi không dám nhận lời vì số lượng hàng đủ tiêu chuẩn XK Nhật Bản rất hạn chế", ông Tiến cho biết.
Theo ông Tạ Đức Minh, quả vải Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn quả vải từ Trung Quốc về mẫu mã, hương vị nên được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu.
Ông Minh cho rằng, quả vải Việt Nam cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đa dạng hình thức bán hàng để "ăn sâu bám rễ" vào thị trường Nhật Bản.
Từ bài học của quả vải, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, rau quả, thủy sản... của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tại thị trường này.
Theo số liệu thống kê, mặt hàng rau hoa quả Việt Nam xuất sang Nhật năm 2018 tăng 60 - 70% sản lượng, năm 2019 tăng 30%. Nhiều sản phẩm Việt Nam dần có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản.
Ngoài các sản phẩm trái cây tươi chưa thể rộng cửa tại thị trường Nhật Bản vì vướng yêu cầu kiểm dịch phức tạp, các sản phẩm như cá tra đông lạnh, rau đông lạnh... cũng liên tục nhận được yêu cầu nhập hàng từ phía Nhật Bản. Đây là điểm mạnh cần khai thác hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho hay: "Chúng tôi vẫn nhận được thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản là sản phẩm Việt Nam còn dư lượng kháng sinh, như câu chuyện tương ớt năm ngoái bị tịch thu tiêu hủy vì có 2 lỗi là dán bao bì sai quy cách và sản phẩm sử dụng chất phụ gia...".
Vì vậy, các DN Việt Nam nếu muốn XK sang thị trường Nhật Bản phải tìm hiểu thông tin về tiêu chuẩn, tránh tình trạng sản phẩm bị trả về vì vi phạm tồn dư kháng sinh. "Người Nhật Bản rất khó tính, một khi hàng dính "tiếng xấu" thì họ sẽ không mua, DN sẽ rất khó lấy lại sự tín nhiệm", ông Minh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Chuyên gia Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, cho rằng: "Muốn mở rộng quy mô, chúng ta phải tuân thủ chất lượng. Có thể việc tuân thủ các tiêu chuẩn này sẽ mất nhiều công sức nhưng sẽ được đền đáp với giá trị thu về cao hơn".
Ông Tạ Đức Minh Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Ở Nhật Bản, quả táo được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 10 - tháng 11 nhưng nhờ công nghệ sau thu hoạch, chế biến mà họ vẫn bán quả táo đó đến mùa Hè năm sau. Công nghệ giúp quả táo có thể bảo quản trong 6 -10 tháng. Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm này để nâng cao giá trị cho quả vải. Bên cạnh bán quả vải tươi, Việt Nam có thể đẩy mạnh chế biến ra các sản phẩm từ quả vải như nước uống, bánh, kem... PGS.TS Đào Ngọc Tiến Chuyên gia Thương mại Quốc tế Trong XK nông sản nói chung, trái cây nói riêng, vấn đề chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ là yêu cầu quan trọng. Thời gian vừa qua, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đã được các nhà quản lý quan tâm nhưng vẫn còn nhiều loại trái cây Việt Nam chưa có chỉ dẫn địa lý. Đây là yêu cầu tiên quyết khi Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều có những quy định rất chặt chẽ về sở hữu trí tuệ. Đáp ứng được điều này, nông sản Việt Nam sẽ gia tăng giá trị hơn. Ông Nguyễn Khắc Tiến Chủ tịch HĐQT CTCP Ameii Việt Nam DN Việt Nam rất hào hứng với việc đẩy mạnh XK nông sản nhưng cần đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm. Nhiều yếu tố để thành công nhưng vấn đề quan trọng nhất là chất lượng. Hy vọng trong năm tới sẽ có nhiều hơn số lượng DN tham gia XK quả vải vào thị trường Nhật Bản, tạo được lợi thế cạnh tranh về sản lượng hơn các các "đối thủ" đang xuất quả vải sang thị trường này. |
Lê Thúy