Lý giải chưa có nhiều DN “tha thiết” đầu tư vào nông nghiệp, Ts. Đình Trọng Thắng cho rằng nguyên nhân lớn nhất là thể chế thị trường hoạt động chưa đủ mạnh và chưa thông suốt ở khu vực nông nghiệp nông thôn, dẫn đến DN khó tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất như đất đai, nguồn lực thị trường và lao động ở nông thôn.
Thể chế thị trường chưa đủ mạnh
Trong đó, quan hệ giữa mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân và mục tiêu đảm bảo diện tích trồng một số loại cây cụ thể, trong đó có cây lúa cần được bàn luận và giải quyết.
Nói cách khác, Việt Nam cần có một tư duy mới, một cách tiếp cận mới trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, tránh đồng nhất an ninh lương thực với diện tích và sản lượng một số loại cây cụ thể.
Theo ông Thắng, giải quyết được vấn đề có tính quan điểm nêu trên sẽ là tiền đề để đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; giảm nhẹ nhiều rào cản về tiếp cận nguồn lực như đất đai, lao động và vốn.
Nguyên nhân thứ hai là vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được bán ra trên thị trường với giá không chênh lệch nhiều so với nông sản không sản xuất theo VietGAP.
Như vậy, ở đây, Nhà nước chưa làm tốt vai trò cấp chứng nhận, tiêu chuẩn hóa, do đó chưa tạo ra được thị trường tốt cho sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, khó khuyến khích được đầu tư vào nông nghiệp sạch.
Về tổng thể, ông Thắng cho rằng chính sách khuyến khích hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp như chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng, lao động, tiếp cận thị trường… đã có nhưng chưa đầy đủ. Ngoài ra, hiện nay, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới chỉ dừng ở tầm nghị định.
Nhiều khó khăn lớn của DN chưa thực sự được giải quyết như tiếp cận đất đai, tích tụ đất đai… Trong khi những chính sách về ưu đãi thuế, phí rất cần với DN nhưng nằm ngoài tầm xử lý của một nghị định.
“Do vậy, cần phải có một nghị quyết của Chính phủ về định hướng và giải pháp thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, coi đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới”, ông Thắng nói.
Nhà nước cần tạo điều kiện về đất đai cho DN như quy hoạch, chuyển nhượng, thời hạn sử dụng… Vì những vấn đề này đã và đang cản trở DN, làm giảm đi sức hút của nông nghiệp đối với DN
“Cởi trói” chính sách cho DN
Những năm gần đây, một số DN lớn của Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp như Vingroup, FLC, T&T, TH True Milk, Hòa Phát, Thaco Trường Hải…
Đây là một tín hiệu tốt, đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam, bởi các DN lớn khi đã đầu tư đều có chiến lược, có mục tiêu và chỉ khi nhìn thấy cơ hội sinh lời một cách tương đối rõ ràng thì họ mới đầu tư.
Các DN này khi đầu tư vào nông nghiệp, với lợi thế về dòng vốn, quản trị và chiến lược kinh doanh, có thể họ sẽ là DN đầu tàu, là vệ tinh để cùng với các DN khác tạo dựng được hệ sinh thái khép kín, đảm bảo sản phẩm sạch khi đến tay người tiêu dùng có mức giá hợp lý, cạnh tranh nhất.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2017 – phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, TH True Milk đã ký hợp tác với một số HTX nhằm cung cấp giống, kỹ thuật, thu mua sản phẩm cho các HTX và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đây là hình thức triển khai mới, trong đó DN là trụ cột để hỗ trợ các thành viên HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Ts. Đình Trọng Thắng cho hay: Nhà nước cũng như các địa phương cần quan tâm để tạo ra được môi trường cho nhiều DN nhỏ và vừa tham gia vào sân chơi này, từ đó tạo ra được làn sóng đầu tư vào nông nghiệp từ khối DN nhỏ và vừa vốn chiếm tới hơn 90% tổng số DN tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện về đất đai cho DN như quy hoạch, chuyển nhượng, thời hạn sử dụng… Những vấn đề này đã và đang cản trở DN, làm giảm đi sức hút của nông nghiệp đối với DN.
“Đơn cử, hiện nay, thu nhập của người nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 1 công đất lúa chỉ là 5-6 triệu đồng/vụ, trong khi nếu chuyển sang trồng cam, thanh long sẽ là 50-60 triệu đồng/vụ, gấp 10 lần. Nhưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng này bị hạn chế do quy hoạch và các quy định hạn chế thị trường ruộng đất ở nông thôn. Điều này ảnh hưởng đến việc tiếp cận ruộng đất của DN. Một mặt chúng ta nói thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, mặt khác chúng ta lại không có cơ chế để DN đầu tư vào nông nghiệp dễ dàng tiếp cận, tích tụ đất đai”, ông Thắng phân tích.
Vì vậy, ông Thắng đề xuất Nhà nước cần xem xét, rà soát các quy định, từ đó cho phép nguời dân, DN được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm cả đất lúa và đặc biệt nên xóa bỏ hạn điền.
Minh Trang