Thực tế cho thấy, nhiều DN lớn mạnh một chút lại chấp nhận “bán mình” cho nhà đầu tư nước ngoài. Có nhiều lý do, đó có thể là thiếu niềm tin để kinh doanh, muốn bán để thu lời, hay đơn giản vì chán ngán việc phải đấu tranh với các rào cản kinh doanh.
Ts. Phan Thế Công, Trường Đại học Thương mại, nhìn nhận, đến nay 97% DN tư nhân ở Việt Nam vẫn là nhỏ và vừa, trong đó có tỷ lệ đáng kể DN siêu nhỏ. Quy mô trung bình của DN Việt Nam rất nhỏ bé, năng lực cạnh tranh cũng khá hạn chế. Tỷ lệ DN lớn trong tổng số DN Việt Nam còn rất thấp, quy mô so với các nước cũng chưa đáng bao nhiêu.
Giàu “nhờ” bất động sản
Báo cáo hàng năm của Vietnam Report (công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam) về công bố danh sách top 500 DN lớn nhất ở Việt Nam, cho thấy số DN tư nhân có tăng lên nhưng số đó vẫn chưa nhiều.
Ts. Công cho rằng mong muốn có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là kỳ vọng và chắc phải đợi nhiều năm nữa. Ngay trong số 500 DN lớn nhất Việt Nam, số tập đoàn thực sự rất ít. Chưa kể, tập đoàn kinh tế ở Việt Nam cũng không giống các tập đoàn trên thế giới, vừa nhỏ, vừa sơ khai, các lĩnh vực hoạt động còn hạn chế, trình độ kỹ nghệ, công nghệ và quản trị còn cách xa các nước.
Phần lớn các tập đoàn tư nhân ở Việt Nam phát triển gắn với bất động sản hoặc khai thác tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia, theo luật pháp thì thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý.
Để tiếp cận với những tài nguyên này, ông Công nhìn nhận, nhiều DN thường phải xây dựng quan hệ đặc biệt tốt với các cơ quan, với các quan chức nhà nước có quyền quyết định về phân bổ, quy hoạch sử dụng đất hay cấp phép xây dựng… hoặc tương tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
“Tài nguyên và bất động sản là những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nếu các quy định và hệ thống thực thi minh bạch, có trách nhiệm giải trình, công bằng… Tuy nhiên, nước ta chưa có những quy định và hệ thống thực thi như vậy. Phát triển bất động sản ở Việt Nam đôi khi chứa đựng và gây ra nhiều vấn đề thể hiện những yếu kém về thể chế và năng lực, đạo đức trong quản trị của chúng ta. Phần lớn việc khai thác khoáng sản cũng vậy”, ông Công nhận xét.
Nguyên nhân phần lớn là vì DN tư nhân còn phải đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển. Theo Gs.Ts. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, trong khi khu vực kinh tế Nhà nước và các DN nhà nước chiếm giữ một khối lượng cực lớn tài sản và tài nguyên, đang cố gắng tạo ra nhiều “quả đấm thép” nhưng lại có quá nhiều DN làm ăn thua lỗ nghiêm trọng, với hàng loạt đại án. DN FDI nước ngoài được ưu đãi tràn lan hơn hẳn tư nhân trong nước, nên dù “thua lỗ” nhiều năm vẫn đầu tư tiếp.
Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước làm ra nhiều của cải nhất, sử dụng nhiều lao động nhất dù tay nghề thấp nhưng không được đối xử bình đẳng với DN nhà nước trụ cột hay FDI ưu đãi thảm đỏ.
Tinh thần phục vụ của bộ máy chính quyền là điều tiên quyết để kinh tế tư nhân phát triển vững mạnh
Khắc phục “hành là chính”
Các chuyên gia cho rằng để lớn thành một tập đoàn, DN rất cần cam kết của Chính phủ về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. DN có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng trong các tiếp cận với các lợi thế kinh doanh, nguồn vốn… thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt.
Theo Ts. Phan Thế Công, tại Việt Nam, vai trò của Nhà nước đối với sự hình thành và phát triển các tập đoàn tư nhân còn chưa được thể hiện rõ. Hiện nay, ngoại trừ các quy định về tập đoàn kinh tế nhà nước, vẫn chưa hình thành được tiêu chí để nhận diện các tập đoàn tư nhân như quy mô vốn, lao động, số lượng DN thành viên, dung lượng thị trường,…
“Việc thừa nhận các tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, hệ thống quy định chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân, từ đó cũng chưa thể có những nghiên cứu sâu, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Chính vì thế, các tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn đang phải hoạt động một cách mò mẫm và chưa có những định hướng vĩ mô”, ông Công cho biết.
Các chuyên gia nhấn mạnh, đã tới lúc Chính phủ phải hành động để biến chủ trương thành các chính sách cụ thể để kinh tế tư nhân phát triển. Nếu các thị trường được hình thành và vận hành một cách hoàn chỉnh hơn, sức bật của kinh tế tư nhân sẽ rất lớn.
Trong điều kiện mới, các DN tư nhân muốn có tiếng nói, Nhà nước cần tạo một không gian để các DN tư nhân Việt Nam có cơ hội cất lên tiếng nói về những khó khăn, thách thức, cũng như cơ hội mà họ đã và đang có hoặc phải đối mặt. Đó là nơi có thể tạo nên những cuộc đối thoại chính sách một cách công khai, mang tính xây dựng, có trách nhiệm.
Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Quang Thái cho rằng muốn kinh tế phát triển, muốn cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh thì phải quyết tâm xóa bỏ tệ nạn nhũng nhiễu, đơn giản hóa, trực tuyến hóa thủ tục hành chính.
DN cần Nhà nước phải khắc phục tình trạng “hành là chính” ở nhiều cơ quan. Nếu không có bộ máy hành chính có năng lực và phục vụ tận tâm thì nền kinh tế và các DN không phát triển được…
Để phát triển kinh tế tư nhân, ngoài cải cách hành chính thì vai trò của Nhà nước trong việc định hướng các chính sách vĩ mô tạo điều kiện, hướng đi cho DN tư nhân là điều rất quan trọng.
“Chỉ có hành động thực tế mới tạo nên “sức ép” từ xã hội để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản cản trở DN phát triển nhanh. Mục tiêu tiên quyết là tạo được một môi trường bình đẳng với chi phí kinh doanh hợp lý”, ông Thái nêu ý kiến.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Quang Thái - Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam Có lẽ trong đổi mới thể chế, yếu tố minh bạch và tinh thần phục vụ của bộ máy chính quyền là điều tiên quyết để kinh tế tư nhân phát triển vững mạnh. Chúng ta phải xác định kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nếu không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Ts. Phan Thế Công - Trường Đại học Thương mại Nếu như các DN tư nhân đủ lớn để trở thành đối tác cạnh tranh với tập đoàn nhà nước cũng sẽ là động lực để nâng cao hiệu quả kinh tế của khu vực tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng hiệu quả, minh bạch. Khi đó, các đầu tàu kinh tế sẽ thực sự mạnh và việc giám sát hiệu quả của khu vực DN nhà nước sẽ theo hướng thị trường hơn. Gs. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda Nhật Bản Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng
Về DN tư nhân của Việt Nam, đã có một vài nhóm bứt phá, phát triển mạnh, còn đa số chưa phát triển hoặc có lớn lên nhưng chưa đáng kể, chưa xứng tầm vai trò của khối kinh tế này. Gần đây, Chính phủ đã có nhiều cải thiện, những thay đổi của Chính phủ là tốt, là hướng đúng. Số giấy phép con đã giảm, thủ tục hành chính cũng có cải thiện nhưng vẫn còn chậm, cần phải cải thiện nhanh và quyết liệt hơn nữa. |